Chủ động phòng, chống bệnh cúm ở người lúc giao mùa
BHG - Trước tình hình thời tiết thay đổi thất thường, bệnh cúm đang diễn biến phức tạp ảnh hướng lớn đến sức khỏe nhân dân nhất là đối tượng trẻ em và người già sức đề kháng kém. Chính vì vậy, cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế đang chủ động tăng cường các biện pháp phòng bệnh cúm thời điểm giao mùa.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền phòng, chống bệnh cúm cho người dân. |
Bệnh cúm (bao gồm type A, B, C) do virus Influenza gây ra là một dạng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính. Bệnh có nhiều triệu chứng điển hình như hắt hơi, sổ mũi, ho...; trẻ em khi mắc cúm có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng, tiêu chảy, nôn mửa. Một số trường hợp có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm cho những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, tim mạch, tiểu đường, viêm phổi mạn tính…
Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.900 trường hợp mắc bệnh cúm, giảm gần 1.000 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số huyện có nhiều ca mắc như Bắc Mê (1.482 trường hợp); Mèo Vạc (1.302 trường hợp); Vị Xuyên (1.454 trường hợp); Xín Mần (1.585 trường hợp)... Mặc dù, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được tư vấn, điều trị kịp thời, không có trường hợp biến chứng nặng hoặc tử vong. Song trước mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh của bệnh, ngành Y tế đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cúm.
Bác sỹ Nguyễn Tất Thắng, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: Cúm là bệnh hết sức phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc phải, song đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, tim, thận... Phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu có khả năng sảy thai, thai lưu hoặc dị tật thai nhi. Vì vậy, phụ nữ nên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách khám thai và siêu âm 2 tuần 1 lần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ.
Ðể chủ động phòng, chống bệnh cúm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng để kịp thời phát hiện, khoanh vùng, xử lý kịp thời, tránh lây lan diện rộng. Đặc biệt lưu ý các trường hợp mắc bệnh về đường hô hấp có các yếu tố nghi ngờ, để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán, xác định tác nhân gây bệnh và triển khai các hoạt động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong cộng đồng. Tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của huyện, xã; lồng ghép vào các chương trình mục tiêu y tế, dân số; cấp phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền về dịch bệnh cho các địa phương.
Để phòng bệnh cúm mùa, nên tạo thói quen thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt; đeo khẩu trang y tế đến nơi có đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên; tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của bác sỹ; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể; chủ động theo dõi sức khỏe, thông báo ngay cho cơ sở y tế khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Ý kiến bạn đọc