Nghĩa tình, trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam
BHG - Hơn nửa thế kỷ qua, dân tộc ta phải gánh chịu hậu quả của chất độc hoá học do quân đội Mỹ dải xuống miền Nam, gây ra thảm hoạ thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tâm, trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Với lẽ sống tốt đẹp đó, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh, thành phố Hà Giang thăm hỏi, động viên ông Trần Văn Phúc (áo xanh bên trái), tổ 3, phường Minh Khai dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa Da cam ở Việt Nam. |
Năm 1968, ông Trần Văn Phúc, tổ 3, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) hăng hái xung phong lên đường vào Nam chống Mỹ cứu nước. Ngày đó, ông làm nhiệm vụ ở Đoàn Pháo binh, miền Đông Nam Bộ và trực tiếp chiến đấu ở núi Bà Đen (Tây Ninh). Năm 1977, ông tham gia đánh Pôn Pốt tại tỉnh Kiên Giang, rồi hành quân ra Bắc, góp công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trên mặt trận Vị Xuyên. Năm 1981, ông xuất ngũ, chuyển ngành và về nghỉ theo quy định. Do sức khỏe yếu, hay bị đau đầu mỗi khi trái nắng trở trời, gia đình đưa đi khám bệnh và phát hiện nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, ông được hưởng chế độ từ năm 2009.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Giang tặng quà nạn nhân chất độc da cam/dioxin Trần Hữu Bình, tổ 14, phường Minh Khai. |
Ông Phúc bày tỏ: Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị đều đến thăm hỏi, tặng quà, động viên. Vừa qua, Công ty TNHH Sơn Lâm, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ vợ chồng tôi 60 triệu đồng xây dựng căn nhà kiên cố. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách thiết thực với người có công và tấm lòng của các nhà hảo tâm, giúp tôi vững tâm vượt qua mọi khó khăn, giữ vững phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 nghìn hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, sinh hoạt tại 7/11 Hội cấp huyện, thành phố và 1.004 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, số hưởng trực tiếp là 768 người, số hưởng gián tiếp là 236 người. Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW năm 2015 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, các cấp Hội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ ra Lời kêu gọi ủng hộ xây dựng Quỹ nạn nhân chất độc da cam và nhiều chương trình hành động cụ thể hướng đến các nạn nhân.
Mang trong mình chất độc da cam/dioxin, cựu chiến binh Vi Ngọc Ngươi (thứ 2 bên phải), thôn Lèn, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình. Ảnh: TƯ LIỆU |
Trong 5 năm qua, nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, các cấp Hội đã trao 6.705 suất quà, trị giá 3,6 tỷ đồng cho các nạn nhân chất độc da cam. Từ chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng nhà ở theo Quyết định số 1953 của Tỉnh ủy; sự góp sức của Câu lạc bộ Tình người Sơn Lâm; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và sự vận động của các cấp Hội, với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng đã giúp hàng trăm nạn nhân chất độc da cam/dioxin có mái ấm kiến cố.
Cùng với các hoạt động ý nghĩa trên, các cấp Hội thường xuyên tổ chức đưa bệnh nhân bị nhiễm chất độc hóa học đi khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; hỗ trợ vay vốn, mua trâu, bò, cây giống cho các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế. Điển hình như Cựu chiến binh Vi Ngọc Ngươi, thôn Lèn, xã Việt Lâm (Vị Xuyên), trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, mang trong mình chất độc da cam/dioxin, ông vẫn luôn cố gắng vươn lên thoát nghèo từ nuôi trâu sinh sản và trồng bưởi Da xanh. Với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, ông không chỉ là tấm gương sáng của Hội, mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con, cháu học tập, noi theo.
Đồng chí Dương Tiến Soạn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh khẳng định: Hội đã trở thành chỗ dựa tinh thần và niềm tin trong công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/ dioxin. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh còn có những nạn nhân trực tiếp cũng như gián tiếp bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước vì mất giấy tờ, thủ tục. Đa số các nạn nhân thuộc hộ nghèo, nhiều người mất khả năng lao động, tuổi ngày càng cao, thêm bệnh, chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh rất lớn, vượt khả năng thanh toán của gia đình. Thực tế trên đòi hỏi hơn nữa sự chung tay giúp đỡ, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể và toàn xã hội để các nạn nhân có cuộc sống tốt hơn.
Bài, ảnh: HẠ HÒA