Mèo Vạc gỡ "nút thắt" chất lượng nguồn nhân lực
BHG - Xuất phát điểm nền kinh tế thấp, điều kiện KT – XH khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều đã trở thành rào cản của huyện Mèo Vạc trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NNL) ở địa phương. Để gỡ “nút thắt” đó, huyện đang triển khai đồng bộ các giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài.
Bằng việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Mèo Vạc. Trong ảnh: Một buổi hoạt động ngoài trời của học sinh Trường Mầm non Giàng Chu Phìn. Ảnh: TƯ LIỆU |
Những năm qua, Mèo Vạc triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng NNL; từng bước đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng NNL cũng như ứng dụng các thành tựu cuộc cách mạng 4.0 vào đời sống, lao động sản xuất. Qua đó, chất lượng NNL nâng lên rõ rệt: Quy mô trường lớp mở rộng, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt trên 98%; học sinh giỏi, giáo viên giỏi các cấp, học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước; số lao động qua đào tạo mới đạt trên 45%. Công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo nâng cao trình độ được chú trọng; chất lượng cán bộ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao...
Trưởng phòng Nội vụ huyện Mèo Vạc, Ngô Mạnh Cường cho biết: NNL của địa phương còn nhiều hạn chế; chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; thiếu định hướng chọn nghề; chưa gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động... Thể chất của lực lượng lao động ở mức thấp so với mặt bằng chung cả nước; thiếu đội ngũ cán bộ, viên chức, công nhân, kỹ thuật viên lành nghề. Chất lượng GD&ĐT ở các cấp học chuyển biến chậm; duy trì sỹ số chưa ổn định.
Cán bộ, công chức chưa thành thạo ứng dụng CNTT trong thi hành công vụ; chất lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn thấp, phần lớn chưa qua đào tạo…
Để xóa bỏ những rào cản đó, Mèo Vạc tập trung nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động về nội dung và yêu cầu cũng như tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, tạo đồng thuận và huy động nguồn lực tham gia vào sự nghiệp giáo dục và phát triển NNL. Đổi mới phương pháp dạy và học ở các cấp học, nâng cao chất lượng NNL ngay từ bước đầu; khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Kiểm định chất lượng giảng dạy của giáo viên qua đầu ra là các học sinh. Cải cách mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả GD&ĐT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.
Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Cao Cường cho biết: Huyện đang đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về phát triển nhân lực; tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, các chủ thể tham gia phát triển NNL; thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn để tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động một cách hiệu quả. Đồng thời, xác định những thế mạnh để đầu tư đào tạo NNL chất lượng cao. Xây dựng đội ngũ người lao động có trình độ chuyên môn cao, có tư duy chiến lược làm hạt nhân, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững. Vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động trong đào tạo; chú trọng đào tạo theo hướng trang bị tay nghề, giáo dục thái độ lao động để người lao động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu việc làm. Đánh giá cán bộ, công chức đảm bảo thực chất, khách quan làm cơ sở quy hoạch cán bộ lãnh đạo và tuyển dụng cán bộ trẻ. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, thôn, tổ khu phố theo các tiêu chí cơ bản. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Huy động xã hội hóa đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực. Thúc đẩy KT – XH, tăng thu nhập cho các hộ dân, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thể chất, thể lực cho thế hệ trẻ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các giải pháp đang giúp Mèo Vạc từng bước đưa NNL trở thành động lực quyết định sự phát triển ở địa phương; tạo nền tảng vững chắc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống người dân.
Bài, ảnh: KIM TIẾN