Hiệu quả nâng cấp lò đốt rác thải tại Quản Bạ
BHG - Trước tình trạng rác thải nông thôn phát sinh ngày càng lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường. Thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, sau khi được tỉnh hỗ trợ đầu tư tu bổ, nâng cấp lò đốt rác thải sinh hoạt, lò đốt rác tại huyện Quản Bạ đã đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả tích cực.
Lò đốt rác thải sinh hoạt tại thôn Tùng Pàng, xã Tùng Vài. |
Quản Bạ là huyện cửa ngõ của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, có nhiều khách du lịch qua lại nên lượng rác thải tương đối lớn. Hiện nay huyện có 1 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt là lò đốt được đặt tại bãi rác thôn Tùng Pàng, xã Tùng Vài với tổng diện tích mặt bằng 5.110 m2, công suất xử lý 500 kg/giờ được ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 2014. Đến năm 2017, bãi rác thôn Tùng Pàng tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp theo Quyết định số 52/QĐ-UBND của UBND tỉnh để hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với tổng kinh phí trên 7,3 tỷ đồng. Thực hiện nhiệm vụ trên, UBND huyện tiến hành thu hồi 2.252,5 m2 đất để triển khai dự án; tổng diện tích bãi rác đến thời điểm hiện tại là 7.362,5 m2; dự án đã triển khai thực hiện mặt bằng và xây dựng các hạng mục phụ trợ. Lò đốt rác được đặt xa khu dân cư nhằm giảm thiểu ô nhiễm, từ khi đi vào hoạt động lò đã phát huy hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ công cộng môi trường và cấp, thoát nước huyện Quản Bạ, Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Lò đốt rác được giao cho Trung tâm quản lý vận hành, hàng ngày rác thải tại các khu dân cư đều được công nhân thu gom bằng xe ô tô tải đưa về lò đốt xử lý, mỗi ngày đốt từ 4-5 tấn rác thải. Việc áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đem lại hiệu quả về môi trường và KT-XH như làm môi trường xanh - sạch - đẹp, lò đốt rác nhỏ gọn, đơn giản, chi phí đầu tư thấp, hoạt động không cần sử dụng đến nhiên liệu phụ trợ trong quá trình vận hành nên chi phí duy trì khi xử lý rác khá thấp”. Được biết, lò đốt BD - ANPHA có những ưu điểm vượt trội như xử lý được rác thải một cách triệt để, không khói, không mùi, không sinh ra nước rỉ rác. Nồng độ khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường QCVN 30 – 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lò có kích thước nhỏ gọn nhưng hiệu suất sử dụng cao, đốt và xử lý rác thải nhanh, không bị tồn đọng rác và không sử dụng nhiên liệu; tro, xỉ cháy kiệt, có thể dùng làm phân bón cho đất nông nghiệp, rải đường hoặc đem đi chôn lấp, vận hành đơn giản không cần công nhân có trình độ cao. Mô hình nhỏ gọn, lắp đặt nhanh chóng, bảo dưỡng sửa chữa và thay thế dễ dàng.
Bà Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Tam Sơn, chia sẻ: “Từ khi lò đốt rác đi vào hoạt động, việc đổ rác trộm và xả thải rác bừa bãi trên địa bàn giảm hẳn. Các gia đình tập kết rác thải trước cửa nhà, ngõ là có xe đến tận nơi thu gom nên các tổ dân phố rất sạch sẽ, không ô nhiễm như trước đây”. Tuy nhiên, phạm vi tiếp nhận chất thải của lò đốt mới chỉ dừng lại ở xã Tùng Vài, Thanh Vân và thị trấn Tam Sơn. Do địa hình tự nhiên phân cách, nhân lực thu gom rác còn hạn chế nên việc thu gom chỉ thực hiện được ở khu vực trung tâm huyện, do đó nguồn tiếp nhận chủ yếu là rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Tam Sơn với lượng rác thải tiếp nhận thực tế là 4,95 tấn/ngày. Còn tại các khu vực nông thôn khác, việc thu gom rác thải không kịp thời dẫn đến tình trạng nhiều bãi rác tồn lưu gây nên tình trạng mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Để lò đốt rác thải phát huy được hết hiệu quả và công suất tối đa cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, bảo đảm nguồn kinh phí duy trì hoạt động của tổ thu gom rác; định kỳ bố trí kinh phí bảo dưỡng để nâng độ bền của các lò đốt rác. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng cần nâng cao ý thức, nhất là làm tốt khâu phân loại tại nguồn, không vứt rác bừa bãi.
Bài, ảnh: LÊ HẢI