An toàn thực phẩm, vì sức khỏe nhân dân
BHG - An toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những vấn đề luôn được người dân quan tâm và lo lắng. Vì thế, để siết chặt công tác quản lý về vệ sinh ATTP, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại các nhà hàng ăn uống trên địa bàn huyện Vị Xuyên. |
Toàn tỉnh hiện có 406 cơ sở sản xuất, chế biến, 2.455 cơ sở kinh doanh thực phẩm (bao, gói sẵn), 682 nhà hàng ăn uống, 535 bếp ăn tập thể, 1.747 quán ăn đường phố. Với đặc thù dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí giữa các vùng chênh lệch, thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn, nên khó khăn trong việc kiểm soát ATTP và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Theo các chuyên gia y tế, con người khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc, có thể trải qua cơn đau tức thời, cảm giác khó chịu đối với cơ thể, thậm chí làm cho cơ thể kiệt quệ, nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, để đảm bảo ATTP, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh, chỉ đạo toàn diện đối với công tác bảo đảm ATTP; xây dựng, triển khai cách làm cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh thành lập 379 đoàn thanh tra, kiểm tra (cấp tỉnh 5, huyện 22, xã 370 đoàn). Tổng số cơ sở kiểm tra 4.426, trong đó 3.944 cơ sở đạt ATTP, chiếm 89,1%; số cơ sở không đạt 482 cơ sở, chiếm 10,9 %; số cơ sở bị phạt hành chính 28; tổng số tiền xử phạt là 69.050.000 đồng, tiêu hủy 244 kg thực phẩm. Qua kiểm tra, giám sát đã lồng ghép tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, góp phần từng bước thay đổi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, nhận thức của người tiêu dùng về vệ sinh ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm còn hạn chế, đặc biệt người dân vùng sâu vẫn có thói quen sử dụng các loại thực phẩm không an toàn, có độc tố tự nhiên (nấm, hoa, quả rừng), mặc dù được tuyên truyền nhưng vẫn xảy ra ngộ độc nấm độc ở thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) khiến 5 người mắc. Cuối tháng 7, đầu tháng 8.2021 liên tiếp xảy ra ngộ độc do quả rừng tại xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc); xã Tả Phìn (Đồng Văn) và xã Sủng Cháng (Yên Minh) khiến 10 học sinh ngộ độc,3 em tử vong.
Do đó, để người dân nhận biết, chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc do sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp đến từng người, cấp phát tờ rơi, áp phích, xe loa lưu động, hướng dẫn người dân cập nhật thông tin sức khỏe kịp thời với cơ sở y tế, phần nào giúp người dân hiểu hơn và nắm được quy trình chọn lựa, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo tốt công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn; đẩy mạnh mở rộng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn để thu hút các cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh ATTP; tăng cường giám sát, kiểm tra để phát hiện kịp thời, xử lý các sai phạm về vệ sinh ATTP…
Bài, ảnh: Khánh Huyền