Hồi ức của những người lính
BHG - Năm tháng dần trôi qua, những vết thương trên da thịt đã lành nhưng hồi ức về một thời tuổi trẻ dành cho đất nước, cho chặng đường thống nhất, bảo vệ non sông luôn là những điều trân trọng, quý giá trong trái tim người lính từng vào sinh ra tử trên chiến trường xưa.
Những người lính Mặt trận Vị Xuyên thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. |
Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, cả dân tộc ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trải qua 2 cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng cũng rất đỗi vẻ vang, hàng nghìn thanh niên ưu tú của Hà Giang đã xung phong lên đường ra trận, có người may mắn được trở về quê hương, có người mãi mãi nằm lại dưới lòng đất mẹ. Khi về với cuộc sống đời thường, những ký ức về cuộc chiến chống Mỹ vẫn còn in đậm trong tâm trí của các cựu chiến binh (CCB). CCB Nguyễn Ngọc Ngươi, thôn Lèn, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) kể lại: “Năm 1972, tôi nhập ngũ, đóng quân tại Trung đoàn 97 thuộc Bộ Tư lệnh 351 và là lính pháo binh, trực tiếp chiến đấu tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Năm 1975, tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị tôi có nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng bộ đội bộ binh tiến vào đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch. Sáng ngày 30.4.1975, nghe tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chúng tôi vui lắm, ai cũng phấn khởi”.
Các Cựu chiến binh ôn lại những năm tháng hào hùng trên chiến trường xưa. Ảnh: TƯ LIỆU |
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 2.1979, quân và dân ta tiếp tục tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Hơn 4 thập kỷ đã đi qua, cứ vào dịp tháng 7, những người lính trên mặt trận Vị Xuyên về gặp mặt ôn lại chuyện xưa, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống. CCB Lê Hồng Mai, tổ 9, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) cho biết: “Tôi là Đại đội trưởng công binh, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 356 Quân khu 2. Năm 1984, tôi trực tiếp tham gia 2 trận đánh ác liệt nhất để dành lại các điểm cao, trong đó, có Điểm cao 685 (lò vôi thế kỷ). Trận này, bộ đội ta hy sinh rất nhiều, phải đến 3 tháng trời ròng rã, chúng tôi sinh hoạt trong hang, ngày thì ngồi hang, tối đi làm nhiệm vụ. Dưới sức công phá, sức nóng của hàng nghìn quả đạn pháo, đá xám chuyển sang màu vôi, cây cối chết hết. Bằng lòng quả cảm, bộ đội ta đã dành lại các điểm cao để xây dựng công sự, giữ từng tấc đất nơi biên cương”.
Không dấu nổi niềm xúc động, CCB Thèn Văn Chấn, thôn Bản Tàn, xã Trung Thành (Vị Xuyên) bày tỏ: “Tôi đi lính từ năm 1981 - 1985 và làm công tác vận tải, vận chuyển đạn dược, lương thực, vật liệu xây dựng để phục vụ chiến đấu, bảo vệ khu vực biên giới Vị Xuyên. Cũng vào thời điểm năm 1984, đơn vị tôi vừa vận tải, vừa trực tiếp chiến đấu tại Điểm cao 1509. Lúc đó, 14 người chúng tôi làm nhiệm vụ trinh sát, dò đường đi trước. Do địch mạnh, chiến sĩ ta bị thương quá nửa nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của những người lính trẻ đã khiến quân xâm lược phải chùn bước”.
Trong hồi ức của những người chiến sĩ tham gia chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên, họ còn được bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang ủng hộ từng mớ rau, hạt gạo và tiền của. “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ biên giới Vị Xuyên. Ghi nhớ công ơn to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ, tỉnh đã và đang thực hiện tu bổ, mở rộng, quy tập Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Đây là “ngôi nhà chung” sạch sẽ, an toàn, chu đáo cho các đồng đội nằm xuống được yên lòng và để những người lính, toàn thể nhân dân, các cháu học sinh được về đây thắp hương, tri ân - CCB Trần Xuân Tiến, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) bày tỏ.
Chắc hẳn những kỷ niệm sâu sắc về đời lính là những tư liệu lịch sử, tài sản vô giá để lại cho mai sau, mỗi người con đất Việt càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc ta và sống có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước.
Bài, ảnh: MỘC LAN