Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật
BHG - Chăm lo giải quyết việc làm cho người khuyết tật (NKT) là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, đòi hỏi mỗi cấp, ngành và toàn xã hội phải quan tâm, giúp cho NKT hòa nhập cộng đồng tốt hơn, không thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Hội Người khuyết tật huyện Vị Xuyên hướng dẫn hội viên cách chăm sóc lợn giống. Ảnh: Tư liệu |
Tính đến tháng 6.2021, toàn tỉnh có gần 12.000 NKT, chiếm khoảng 1,4 % dân số toàn tỉnh, gồm các dạng khuyết tật: Vận động, nghe và nói, nhìn, thần kinh và trí tuệ. Trong đó có khoảng 90% NKT là dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã vùng sâu, xa, địa hình giao thông chia cắt, đi lại khó khăn; nhiều NKT trình độ dân trí thấp, không biết nói tiếng phổ thông, ít có điều kiện tiếp xúc với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý và các biện pháp hỗ trợ khác của Nhà nước và cộng đồng.
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT đã được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm. Ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết, để tạo cơ hội cho NKT hòa nhập cộng đồng, được học nghề và có việc làm ổn định rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và các cơ quan hữu quan. Hiện tại, Hội NKT tỉnh có 4.299 hội viên. Để NKT vượt qua khiếm khuyết của bản thân, lạc quan, tự tin vươn lên trong cuộc sống, Hội đã thành lập 9 câu lạc bộ (CLB) phụ nữ khuyết tật và 7 CLB Văn nghệ - thể thao. Các CLB được thành lập đã tạo cơ hội để NKT được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Hội, phát huy được trách nhiệm của mình trong công tác, thu hút được đông đảo hội viên tham gia.
Ngoài ra, hàng năm Hội phối hợp với Phòng Dạy nghề của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm GDNN – GDTX , Phòng Nông nghiệp - PTNT, Hội NKT các huyện, tạo điều kiện thuận lợi để NKT tham gia học nghề, tìm việc làm. Hội NKT các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên đã mở được 8 lớp dạy nghề cho 155 hội viên. Trong đó, huyện Quang Bình mở 2 lớp đào tạo nghề nông, lâm nghiệp cho 40 hội viên xã Yên Thành và Bằng Lang; 1 lớp may công nghiệp cho 20 hội viên; huyện Bắc Quang mở 2 lớp dạy nghề làm chổi chít cho 40 hội viên; huyện Vị Xuyên mở được 3 lớp cho 55 hội viên xã Kim Linh, Kim Thạch và xã Phú Linh.
Ngoài đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT, Hội còn phối hợp với Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tổ chức tuyển chọn vận động viên NKT tham gia giải văn nghệ, thể thao NKT trong tỉnh, toàn quốc và khu vực Đông Nam Á và giành nhiều kết quả cao. Từ đó, giúp cho NKT tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, để NKT có cơ hội được đào tạo nghề và có việc làm ổn định, các chủ sử dụng lao động cần thay đổi nhận thức về khả năng làm việc của NKT, giúp họ tự tin hòa nhập và sống có ích thay vì trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để xóa bỏ rào cản, sự kỳ thị đối với NKT. Các huyện, thành phố có chính sách tạo điều kiện để NKT tìm được việc làm tại chỗ. Bản thân NKT cần mạnh dạn, có ý chí vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng.
Thời gian tới, để giải quyết được việc làm cho NKT, cần triển khai chương trình đào tạo, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao trình độ văn hóa để NKT tham gia tốt hơn vào quá trình đào tạo; hỗ trợ sinh kế cho NKT; tư vấn giới thiệu việc làm, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm do NKT tạo ra qua đó tạo điều kiện cho NKT có môi trường làm việc tốt hơn và thu nhập cao hơn.
Trung Nghĩa