Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em
BHG - Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em (CSSKBM&TE) trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, nhất là các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Chị Hoàng Thị Giang, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang thường xuyên sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. |
Với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe bà mẹ và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em trong tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế) đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, qua hệ thống loa truyền thanh, triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phát hành 16.842 cuốn Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay nhận thức của chị em đã chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các bà mẹ và gia đình trong chăm sóc sức khỏe. Để các hoạt động CSSKBM&TE đến được với tất cả phụ nữ và trẻ em, hàng tháng, các y, bác sỹ, “cô đỡ thôn bản” thường xuyên theo dõi và nắm bắt số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai để kịp thời tuyên truyền, tư vấn về CSSKBM&TE/KHHGĐ. Vận động chị em phụ nữ đi khám thai, khám sức khỏe định kỳ, đúng thời gian, nhằm sớm phát hiện những bất thường từ thời gian đầu mang thai.
Trẻ em uống Vitamin A tại Trạm y tế phường Minh Khai, thành phố Hà Giang. |
Từ đó, hầu hết các gia đình trên địa bàn đã nắm được những kiến thức cơ bản về thực hành CSSKBM&TE, như: Khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván trước khi sinh, chăm sóc sau sinh, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, uống vitamin A, cách chế biến thức ăn, xây dựng mô hình thực phẩm hợp vệ sinh tại các gia đình, tổ chức cân, đo định kỳ cho trẻ dưới 5 tuổi...
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau khi sinh được duy trì và tăng cường. Cụ thể: Tổng số phụ nữ đẻ tính đến 30.6.2021 là 7.755 bà mẹ; tổng số trẻ sinh ra sống 7.757 trẻ; phụ nữ có thai mới được quản lý thai 7.467 bà mẹ; trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh (42 ngày) 7.166 trẻ. Bên cạnh tuyên truyền về CSSKBM&TE, các bác sỹ, y tá và đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế thôn, bản cũng chú trọng việc vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho các cặp vợ chồng. Thực hiện dịch vụ KHHGĐ 15.863 ca, trong đó có 2.477 ca sử dụng vòng tránh thai; 6.257 ca sử dụng thuốc tránh thai; 48 ca triệt sản; 6.981 ca sử dụng biện pháp khác…
Chị Lý Thị Đảm, Cán bộ Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trung tâm luôn làm tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế trong chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch hoạt động các Dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản trong tỉnh; tiếp tục thực hiện nghiêm túc hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ CSSKBM&TE của Bộ Y tế, nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, giảm tử vong sơ sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác CSSKBM&TE cũng gặp nhiều thách thức, cán bộ tại các trung tâm còn ít, dịch Covid-19 nên phải huy động mọi lực lượng chống dịch, việc chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn…
Thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong cộng đồng nhân dân về các biện pháp chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ em. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Chính sách dân số - KHHGĐ, với những hình thức và nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế phục vụ công tác CSSKBM&TE.
Bài, ảnh: Khánh Huyền