Tăng cường kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò
BHG - Thời điểm hiện tại, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có 7/11 huyện, thành phố có trâu, bò mắc bệnh. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, Viêm da nổi cục là dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi. Hiện, các địa phương đang đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Ông Vàng Văn Tin, thôn Nắm Ngà, xã Cốc Rế (Xín Mần) chăm sóc đàn trâu. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 4.6, tổng số gia súc mắc bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn toàn tỉnh là 393 con trâu, bò/273 hộ/94 thôn/34 xã/7 huyện. Trong đó, tiêu hủy 25 con (trâu 1 con, bò 24 con)/18 hộ/16 thôn/10 xã/4 huyện, trọng lượng 5.945 kg. Các địa phương đang có dịch gồm: Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ. Trong đó, huyện Quản Bạ mới phát sinh gia súc mắc bệnh từ ngày 1.6 với tổng số 5 con thuộc xã Nghĩa Thuận và thị trấn Tam Sơn.
Dịch bệnh phát sinh chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ý thức phòng, chống dịch bệnh của một số hộ chăn nuôi gia súc chưa cao, không tuân thủ các biện pháp chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan, kéo dài, khó xử lý dứt điểm các ổ dịch. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập các đoàn kiểm tra tại địa bàn có dịch và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với các giải pháp khống chế, kiểm soát dịch, công tác tiêm phòng vắc xin đang được ngành chuyên môn và các huyện, thành phố đẩy mạnh. Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cung ứng 45.300 liều vắc xin (Lumpyvac 41.100 liều, LumpyShield 200 liều) cho các huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Yên Minh, Vị Xuyên và Mèo Vạc để tiêm phòng khẩn cấp, bao vây ổ dịch. Hiện, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin cho 19.204 con, trong đó trâu 11.202 con, bò 8.002 con/287 thôn/48 xã/5 huyện.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp tổng số 796 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng tại các thôn có dịch; 3.539 kg vôi bột và 70 lít hóa chất diệt ve, mòng để tổng vệ sinh tại các hộ chăn nuôi gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh, khu vực tiêu hủy gia súc mắc bệnh.
Đánh giá đây là dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn cho ngành Chăn nuôi, ngày 17.5.2021, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 631/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò. Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại tỉnh ta. Trong đó, thành lập các tổ công tác như: Tổ tiêu hủy; chốt chặn; giám sát dịch, thống kê đàn, tuyên truyền; tiêu độc khử trùng và tổ phản ứng nhanh để thực hiện các biện pháp chống dịch. Các địa phương có dịch tổ chức cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục; nuôi nhốt trâu, bò tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng khẩn cấp cho đàn gia súc. Thống kê, kê khai số lượng gia súc, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã có dịch ký cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, bị bệnh ra môi trường...
Các địa phương chưa có dịch không được chủ quan, lơ là; cần tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Do dịch bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, vì vậy, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc ra, vào địa bàn để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG