Phát huy vai trò "gác cổng" của hệ thống y tế cơ sở
BHG - Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), hướng về cơ sở, đầu tư vật chất… là những giải pháp được huyện Yên Minh tăng cường nhằm phát huy vai trò của hệ thống trạm y tế (TYT) xã, từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Bác sĩ Trạm Y tế xã Na Khê thăm khám cho bệnh nhân. |
Có dịp đến TYT xã Na Khê, ngay từ sáng sớm đã có khá đông người dân đến thăm khám. Mặc dù là địa bàn biên giới rộng, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, nhưng nhiều năm nay, trạm luôn là địa chỉ tin cậy để nhân dân đến điều trị mỗi khi đau ốm. Kết quả này có được là nhờ công tác tuyên truyền, tuyến y tế cơ sở từng bước khẳng định được chất lượng KCB nên người dân ngày càng tin tưởng đến khám bệnh tại trạm mà không phải lên tuyến trên.
Bà Nguyễn Thị Nhơn, Trạm trưởng TYT xã Na Khê, cho biết: Trạm hiện có 4 cán bộ, nhân viên y tế và 10 nhân viên y tế thôn. Thực hiện công tác chuyên môn, các hoạt động về y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế, dân số và KCB được trạm tập chung nâng cao hiệu quả. Trong đó, hoạt động trọng tâm là triển khai tốt các chương trình dự phòng, phòng, chống dịch bệnh; an toàn vệ sinh thực phẩm; tiêm chủng mở rộng... Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất tương đối đầy đủ là cơ sở để trạm phục vụ tốt công tác KCB và xử trí kịp thời các tai nạn, cấp cứu ban đầu cho nhân dân địa phương. Hàng năm, trạm có khoảng trên 2.300 lượt người KCB, số lượt điều trị nội trú tăng qua các năm…
Các chương trình về dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được nhân viên y tế cơ sở triển khai tới người dân. |
Huyện Yên Minh hiện có 15 TYT, đây là nơi gần dân nhất, được xem là “gác cổng” trong hệ thống y tế. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương về lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác y tế. Duy trì chế độ giao ban với cán bộ các TYT, cán bộ chuyên khoa để nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, gồm: Dự án tiêm chủng mở rộng, phòng tránh sốt rét, sốt xuất huyết, quản lý, điều trị bệnh nhân lao, nhiễm HIV. Đặc biệt, tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, những cán bộ y tế cơ sở là lực lượng nòng cốt trong điều tra dịch tễ, truy vết đối tượng và triển khai công tác dự phòng. Mặt khác, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa, việc luân chuyển cán bộ chuyên môn, bác sĩ từ bệnh viện tuyến trên xuống tuyến dưới theo Quyết định số 1816 của Bộ Y tế được thực hiện thường xuyên đã giúp các TYT xã chưa có biên chế bác sĩ nâng cao chất lượng chuyên môn. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện đã luân phiên các bác sĩ về hỗ trợ 6 xã, thị trấn, giúp đào tạo cán bộ tại chỗ, nâng cao tay nghề cho y tế cơ sở.
Đồng chí Lệnh Đức Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Minh, cho biết: Cùng với phong trào xây dựng NTM gắn với thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã, thời gian qua, các TYT xã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ về nhiều mặt. Đến nay, 100% xã, thị trấn đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020. Các TYT được xây dựng khang trang, bảo đảm diện tích, các phòng chức năng, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu phục vụ hoạt động. Trong đó, nhiều thiết bị, như: Máy siêu âm, máy khí dung, đo đường huyết, xét nghiệm nước tiểu… đã hỗ trợ rất hiệu quả cho việc KCB tại TYT. Hàng năm, toàn huyện có khoảng 38.000 lượt bệnh nhân đến KCB, điều trị nội trú trên 3.000 ngày; công suất sử dụng giường bệnh trên 80%. Bên cạnh đó, công tác y học cổ truyền trong KCB được chú trọng, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc Nam được các TYT thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện mô hình TYT xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, nhiều trạm đã khám, lập được hồ sơ quản lý sức khỏe nhân dân…
Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các TYT ở Yên Minh ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu tiếp cận các dịch vụ y tế gần nhất, có chất lượng, chi phí phù hợp với người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác y tế cơ sở còn không ít khó khăn về nguồn lực, nhân lực chất lượng cao. Do đó, phát huy vai trò của y tế cơ sở tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác y tế địa phương. Đặc biệt khi áp dụng nguyên lý y học gia đình, lấy người dân làm trung tâm sẽ đòi hỏi cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, chất lượng nhân lực cũng như đổi mới cách thức hoạt động.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc