Đảm bảo hoạt động tiêm chủng trong bối cảnh dịch Covid-19
BHG - Tiêm chủng (TC) là hoạt động trung tâm của chính sách y tế cộng đồng và là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tiểm ẩn nguy cơ lây lan ra cộng đồng; ngành Y tế tỉnh đang tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế gián đoạn hoạt động TC, đảm bảo trẻ được TC đầy đủ.
Trẻ em tiêm chủng tại Phòng tiêm Safpo, thành phố Hà Giang. |
Thời gian qua, công tác TC đặc biệt là Chương trình TC mở rộng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, qua đó, giúp tỉnh ta giữ vững thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Năm 2020, toàn tỉnh duy trì TC thường xuyên với 95,9% trẻ dưới 1 tuổi được TC đầy đủ; 91% trẻ 18 tháng tuổi được tiêm vắc xin Sởi - Rubella; 78,4% phụ nữ có thai được tiêm đủ liều phòng uốn ván… Bên cạnh đó, hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở tiếp tục duy trì vận hành, quản lý thông tin TC quốc gia. Các hoạt động tiêm chủng dịch vụ ngày càng phát triển, giúp người dân tiếp cận thêm với nhiều loại vắc xin phòng bệnh.
Đồng chí Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch TC, Trung tâm đã ban hành Kế hoạch TC mở rộng đáp ứng phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành phố tiếp tục hoàn thiện, lập kế hoạch TC của địa phương, ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện. Tiến hành rà soát, lập danh sách trẻ chưa được tiêm đủ liều vắc xin 5 trong 1; triển khai tiêm các mũi Viêm não Nhật Bản. Tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới TC mở rộng các tuyến; đáp ứng đầy đủ vắc xin, bổ sung thiết bị dây chuyền lạnh bảo quản phục vụ TC. Chuẩn bị phương án cung ứng đầy đủ vắc xin và vật tư TC, tránh tình trạng cha mẹ trẻ phải đi lại nhiều lần do thiếu vắc xin. Đồng thời, đảm bảo an toàn, chất lượng, tỷ lệ TC gắn với thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19…
Bên cạnh đó, đối với vùng dịch huyện Xín Mần, sau thời gian hoãn TC thường xuyên sẽ triển khai tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh cho trẻ ngay sau khi kết thúc ổ dịch. Đặc biệt, ngoài 193 điểm TC cố định tại Trạm y tế xã, phường, ngành Y tế đã xây dựng 449 điểm tiêm lưu động nhằm hạn chế việc gia đình phải đưa trẻ đi TC quá xa. Các đơn vị y tế cơ sở cũng chủ động bố trí lịch TC theo từng thôn, xóm hoặc sắp xếp theo từng khung giờ để tránh tập trung đông người. Nhân viên y tế TC thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, thực hiện các biện pháp khử khuẩn bàn ghế, thiết bị và môi trường trước và sau ngày TC. Đồng thời, tuyên truyền để gia đình không đưa trẻ đi TC khi đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm long đường hô hấp. Trong qua trình TC thực hiện sàng lọc đối tượng chính xác, không có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid-19 hay hay có tiền sử tiếp xúc gần với ca bệnh trong vòng 14 ngày. Đồng thời, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý và tổ chức thực hiện TC mở rộng trong thời điểm tăng cường chống dịch; tập trung vào điều tra các bệnh truyền nhiễm, giám sát phản ứng thông thường sau tiêm…
“Từ thực tế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khẳng định về vai trò của TC trong phòng bệnh. Đây cũng chính là cơ hội để ngành Y tế tuyên truyền, vận động cha mẹ về tầm quan trọng của TC trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh có thể phòng ngừa”. Đó là khẳng định của Bác sỹ Nguyễn Tất Thắng, Trưởng phòng Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Cung cấp liên tục các dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó không gián đoạn TC là một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được ngành Y tế nỗ lực triển khai. Để chuẩn bị ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh có thể bùng phát trong tương lai, các bậc phụ huynh cần cho con em tham gia tiêm vắc xin đầy đủ và chú ý phòng dịch an toàn.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc