Nâng cao hiệu quả phòng, chống mù lòa
BHG - Thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng, chống mù lòa (PCML) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, hành động nâng cao hiệu quả PCML tại cộng đồng. Qua đó, tạo cơ hội cho đồng bào nghèo ở địa bàn vùng sâu, xa được tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Giang phẫu thuật đục thủy tinh thể cho bệnh nhân. |
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, đôi mắt chính là tài sản quý giá của con người. Nguyên nhân gây mù có thể do đục thủy tinh thể (TTT), tật khúc xạ chưa được chỉnh kính, bệnh bán phần sau, sẹo giác mạc và tăng nhãn áp. Tuy nhiên, không ít người vẫn xem nhẹ việc bảo vệ mắt; trình độ dân trí của một bộ phận người dân chưa cao, đời sống thiếu thốn và thói quen sinh hoạt không hợp vệ sinh là những yếu tố dẫn đến gia tăng các bệnh về mắt, nguy cơ dẫn đến mù lòa cao. Qua theo dõi của ngành chức năng, hàng năm, tỷ lệ bệnh nhân cần được mổ đục TTT phát sinh thêm khoảng 0,6-0,7% dân số. Những tồn đọng về tỷ lệ mù tại cộng đồng là gánh nặng của công tác PCML trên địa bàn tỉnh.
Để giảm tỷ lệ mù lòa, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện. Trong đó, tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCML cấp tỉnh trong tham gia điều phối, huy động chính sách và nguồn lực cộng đồng triển khai PCML. Hệ thống chăm sóc mắt từ tuyến tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, nâng cao. Đến nay, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đã có chuyên khoa Mắt. 100% các trạm y tế được tập huấn các kiến thức cơ bản về chăm sóc mắt ban đầu. Nhiều cơ sở y tế tư nhân về chăm sóc mắt đã thành lập và đi vào hoạt động tại các huyện, thành phố. Ngành Y tế tỉnh chú trọng đào tạo đội ngũ bác sĩ chuyên khoa có chứng chỉ phẫu thuật Phaco, góp phần củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động PCML. Cùng với đó, tận dụng các nguồn tài trợ của các dự án, tổ chức phi chính phủ để mua sắm thiết bị và hỗ trợ mổ đục TTT tại cộng đồng. Hệ thống y tế cơ sở cũng tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho nhân dân về chăm sóc mắt, nhất là ở các địa bàn vùng xâu, vùng xa với nhiều hình thức linh hoạt.
Người cao tuổi khám bệnh tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Bệnh viện Mắt Hà Giang là đơn vị “chủ lực” đã chủ động tham mưu cho ngành Y tế tỉnh xây dựng, kiện toàn hệ thống chăm sóc mắt đến cơ sở. Phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức người dân, sự tham gia của cộng đồng cũng như xã hội hóa nguồn lực cho hoạt động PCML. Nhiều năm nay, bệnh viện đã thực hiện được các kỹ thuật mới, như: Phẫu thuật cắt mộng có ghép kết mạc rìa tự thân, chụp đáy mắt màu tự động. Hiện tại, đơn vị đã có 2 bác sĩ có Chứng chỉ Phaco, đảm bảo mổ đục TTT an toàn, hiệu quả cho người bệnh.
Bác sĩ Chuyên khoa I, Đặng Tuấn Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện mắt Hà Giang, cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã tổ chức trên 50 đợt KCB về mắt tại cộng đồng, có trên 20.000 lượt người dân được khám sàng lọc mắt miễn phí. Cũng từ đây, các bác sĩ bệnh viện đã phẫu thuật đục TTT, xử lý trên 7.000 ca mắc các bệnh lý nhãn khoa, can thiệp kịp thời, tránh nguy cơ mù lòa hiện hữu”.
Có dịp gặp gỡ các bệnh nhân được mổ mắt miễn phí do Bệnh viện Mắt Hà Giang phối hợp tổ chức, chúng tôi hiểu thêm và trân quý những nỗ lực của người “chiến sĩ” áo trắng. Bà Sùng Thị Ọt, xã Thèn Phàng (Xín Mần) là một trong nhiều bệnh nhân vừa qua được các bác sĩ Bệnh viện mắt Hà Giang mổ mắt miễn phí, bà phấn khởi cho biết: Khi được địa phương thông báo về chương trình mổ mắt, tôi đã đăng ký tham gia ngay, bởi nhiều năm nay mắt phải đã bị mờ dần, thị lực kém. Sau khi mổ còn được các bác sĩ tận tình tư vấn cách chăm sóc mắt tại nhà để có đôi mắt sáng, khỏe. Mắt được phục hồi là niềm vui rất lớn để tôi thuận lợi hơn trong sinh hoạt, có sức khỏe để lao động, giúp đỡ con cháu.
Từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác PCML trên địa bàn đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, công tác PCML vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi sự gia tăng các bệnh lý gây mù trong cộng đồng ngày càng phức tạp; mạng lưới, năng lực phòng, chống mù lòa của tuyến y tế cơ sở còn hạn chế cả về nguồn lực lẫn quy mô. Do đó, toàn tỉnh cần tiếp tục có những giải pháp toàn diện hơn, hướng tới mục tiêu giải phóng mùa lòa do những nguyên nhân có thể phòng tránh được.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc