Nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động
BHG - Hiện, toàn tỉnh có trên 12.000 công nhân lao động (CNLĐ); trong đó, hơn 9,6 nghìn người trong khu vực doanh nghiệp địa phương và hơn 2,7 nghìn người trong khu vực doanh nghiệp T.Ư, với trên 1.800 doanh nghiệp và hơn 500 đơn vị trực thuộc. Thực hiện Quyết định số 231 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020”; 5 năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác khuyến tài, khuyến học, xây dựng xã hội học tập.
Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng tủ sách học tập cho một số Công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Cụ thể, trong 5 năm, các cấp Công đoàn đã tổ chức 220 cuộc tuyên truyền cho hơn 11.000 lao động; hỗ trợ trang bị tủ sách học tập với 600 đầu sách cho 20 công đoàn cơ sở doanh nghiệp; biên soạn, in ấn và cấp phát trên 63.000 tờ gấp, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền các loại trong CNLĐ; qua đó nâng cao nhận thức cho đoàn viên và người lao động về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và sự cần thiết phải học tập, tự học tập để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; coi học tập là điều kiện tiên quyết để trở thành người lao động có tri thức, văn hóa và có thu nhập cao hơn. Không những thế, các tổ chức sử dụng lao động đã tạo điều kiện cho hơn 14.000 lượt CNLĐ được học tập, đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề cũng như nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật…
Với những kết quả trên, tinh thần tự học cũng như trình độ, năng lực của CNLĐ không ngừng được nâng lên. Đến nay, số CNLĐ có trình độ THPT đạt 54%; trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 19,5%; số CNLĐ có trình độ tay nghề, bậc thợ từ bậc 4 – 7 đạt 5,3%... Đặc biệt, 5 năm qua, có gần 50.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề từ 42% năm 2015 lên 49% năm 2019; toàn tỉnh có khoảng 72% lao động qua đào tạo đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm.
Tuy nhiên, tỷ lệ CNLĐ chưa qua đào tạo vẫn còn cao (hơn 40%); trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề của đa số CNLĐ trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp địa phương còn thấp; nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, tin học, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp và các kỹ năng mềm của một bộ phận CNLĐ còn nhiều hạn chế...
Hiện nay, tỉnh ta đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế thành lập và phát triển; từ đó, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho CNLĐ. Để nắm bắt cơ hội, CNLĐ cần nhận thức đầy đủ về việc học tập suốt đời vừa là quyền lợi, nghĩa vụ vừa là trách nhiệm nhằm đảm bảo việc làm, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho chính mình.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ