Tập trung khống chế, dập tắt dịch tả lợn châu Phi
BHG - Sau 2 tháng tái phát dịch tả lợn châu Phi, số hộ, thôn, xã xuất hiện dịch ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số lợn chết và tiêu hủy là 800 con/141 hộ/55 thôn/29 xã/5 huyện, thành phố; trọng lượng tiêu hủy 34.127kg. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển ngành chăn nuôi. Mặc dù các địa phương và ngành chức năng đã vào cuộc nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn còn tồn tại một số bất cập: Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong phòng, chống dịch; chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mà xem việc chống dịch là nhiệm vụ của ngành Thú y; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về phòng, chống dịch chưa sâu rộng, xuất hiện tâm lý chủ quan trong nhân dân; việc tiêu hủy bắt buộc đối với lợn bị bệnh chưa triệt để và kịp thời; công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch nhiều nơi thực hiện qua loa, bất cập; việc quản lý, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn còn buông lỏng.
Cán bộ thú y rắc vôi bột khử trùng môi trường chăn nuôi tại xã Xín Chải (Vị Xuyên). |
Theo chân Đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi tại xã Xín Chải (Vị Xuyên). Vượt qua nhiều đoạn đường đi bộ xuyên núi đến với những hộ dân có lợn bị dịch, chúng tôi nhận thấy có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch; chuồng trại chăn nuôi phần lớn không đảm bảo vệ sinh; chất thải thải trực tiếp ra môi trường. Đây là những nguyên nhân khiến xã Xín Chải có số lượng lợn bị dịch nhiều nhất huyện và mức độ lây lan nhanh, rộng. Ngày 9.7.2020, đàn lợn của ông Đặng Văn Kiang, thôn Tả Ván, xã Xín Chải bị ốm chết do dịch tả lợn châu Phi, ít ngày sau đó, dịch đã lan rộng đến 20 hộ của 3 thôn với trên 100 con bị mắc bệnh; đáng nói có một số nhóm hộ chăn nuôi trong thôn bị dịch toàn bộ số lợn. Phó Chủ tịch UBND xã Xín Chải, Thượng Duy Dân, cho biết: “Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, xã đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tuy nhiên ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chăn nuôi của người dân chưa cao; chất thải chăn nuôi chảy trực tiếp ra môi trường dẫn đến dịch lây lan nhanh”. Chị Phan Thị Hiền, thôn Nhìu Sang, xã Xín Chải có 11 con lợn bị chết, chia sẻ với chúng tôi: “Ở đây điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, đàn lợn là tài sản lớn của gia đình, nhưng do trước đây chưa áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch nên đàn lợn bị nhiễm bệnh; người dân trong thôn đã rút kinh nghiệm và có ý thức hơn trong phòng, chống dịch”. Để khống chế dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã huy động lực lượng, phối hợp với chính quyền xã Xín Chải ra quân tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ môi trường chăn nuôi; tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Hiện nay, toàn tỉnh có 12 xã đã qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh tả lợn châu Phi; trong đó 8 xã thực hiện công bố hết dịch; tuy nhiên, một số xã lại tái phát dịch và số xã có lợn bị nhiễm bệnh mới tăng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 5.400 lít hóa chất cho các địa phương thực hiện phun tiêu độc, khử trùng tại các hộ có dịch, các hộ xung quanh ổ dịch và khu vực tiêu hủy lợn.
Để khẩn trương khống chế, dập tắt các ổ dịch tái phát và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, triển khai các biện pháp dập dịch trên địa bàn với phương châm “Chống dịch như chống giặc”; thành lập các tổ công tác của huyện trực tiếp xuống các xã có dịch chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; huy động lực lượng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng các địa bàn có dịch gắn với kiểm tra, giám sát; huy động nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Huyện nào thực hiện không nghiêm túc, để dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng thì Chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch động vật tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
“Huyện nào thực hiện không nghiêm túc, để dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng thì Chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh” - Đó là nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tại văn bản số 2765/UBND-KTTH ngày 24.8.2020 cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của tỉnh trong triển khai các giải pháp cấp bách khống chế, dập tắt dịch tả lợn châu Phi.
Bài, ảnh: AN GIANG