Chú trọng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
BHG - Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản trong tất cả các khâu, chuỗi nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Du khách tham quan và mua sản phẩm mật ong Bạc hà của Hà Giang tại Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. |
Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng; tỉnh ta có nhiều đặc sản quý, như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà và nhiều loại dược liệu… Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đang tích cực đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc hữu theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng quản lý, kiểm soát tốt chất lượng ATTP sản phẩm nông nghiệp ngay từ khâu sản xuất, chế biến gắn với thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra 27 cuộc/38 lượt cơ sở; thanh tra chuyên ngành 7 cuộc và xử lý triệt để 100% các cơ sở vi phạm theo quy định. Giám sát ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm và các cơ sở được xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn theo đúng quy định. Thực hiện lấy 1.924 mẫu đất và mẫu sản phẩm để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu về chất lượng đất sản xuất, chất lượng ATTP sản phẩm. Kết quả, 100% số mẫu kiểm tra đều đạt ngưỡng an toàn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hàng tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu. Trong năm 2019, đã kiểm tra 182 phương tiện với số lượng hơn 3.300 tấn hàng hóa; phát hiện và xử lý 326 vụ vi phạm kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm; thu nộp ngân sách 470,105 triệu đồng. Với những nỗ lực, cố gắng; năm 2019, tỉnh ta xếp thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước về kết quả xếp hạng các địa phương trong công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản và đứng thứ 3 khu vực các tỉnh phía Bắc. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong công tác đảm bảo ATTP các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Năm 2019 hàng loạt luật, nghị định trong lĩnh vực nông nghiệp chính thức được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020 với những chế tài xử phạt rất nghiêm minh trong lĩnh vực ATTP. Do đó, năm 2020 được coi là năm bản lề quan trọng để hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; qua đó, từng bước đưa ATTP đi vào quy củ, ổn định. Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, ngay từ đầu năm, tỉnh ta đã ban hành kế hoạch hành động đảm bảo ATTP lĩnh vực nông nghiệp năm 2020; trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh để có sự chuyển biến thực sự rõ nét và tạo khác biệt về chất lượng, ATTP nông nghiệp so với năm 2019 trở về trước.
Cụ thể, đối với sản phẩm chè, thực hiện duy trì sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn đối với 85% diện tích chè đã được cấp chứng nhận GAP. Tích cực triển khai hoàn thành việc phân giao vùng nguyên liệu cho cơ sở chế biến chè đối với những diện tích chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP. Đảm bảo trên 90% sản phẩm chè của tỉnh tuân thủ quy định tự công bố sản phẩm và có tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Với sản phẩm cam Sành, các huyện tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát chất lượng, ATTP cam Sành trên địa bàn đảm bảo phù hợp, hướng dẫn các cơ sở khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển sản phẩm. Thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng tại chỗ đối với 100% các lô sản phẩm trước khi đưa vào hệ thống siêu thị. Tiếp tục duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng chỉ dẫn địa lý và tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt việc phát triển diện tích hoa Bạc hà để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho đàn ong nuôi trên địa bàn. Vận động liên kết giữa các hộ nuôi ong riêng lẻ với các doanh nghiệp, HTX sản xuất, sơ chế, kinh doanh mật ong Bạc hà để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát chất lượng ATTP sản phẩm mật ong Bạc hà trong vùng được chỉ dẫn địa lý. Tiếp tục triển khai việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo các tiêu chuẩn tiên tiến (HACCP, VietGAHP).
Đối với các sản phẩm sản xuất từ Tam giác mạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ liên kết với các HTX, doanh nghiệp để tập trung phát triển mạnh các sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ Tam giác mạch đã được công nhận và thúc đẩy phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Triển khai cho 100% cơ sở sản xuất cam kết đảm bảo ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP tới các hộ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và người dân trên địa bàn. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG