Chủ động ứng phó với thiên tai
BHG - 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 20 đợt mưa lũ, làm 11 người chết, 14 người bị thương; thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân trên 700 tỷ đồng.
Trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). |
Ngay từ đầu năm, UBND Tỉnh đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020 và công điện khi có các đợt thiên tai lớn; qua đó, chỉ đạo đầy đủ, kịp thời, cụ thể các nhiệm vụ về PCTT&TKCN. Đồng thời yêu cầu các địa phương tổ chức lực lượng nòng cốt tham gia phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” với cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất giữa các cấp, các ngành, thực hiện chế độ trực và thông tin, báo cáo; theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, kịp thời ứng phó với các tình huống xấu do thiên tai xảy ra. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng cao; toàn tỉnh đã cắm trên 240 biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, sạt lở để người dân, phương tiện chủ động phòng tránh rủi ro và lắp đặt các trạm đo mưa tự động giúp chuyển số liệu về trung tâm phân tích, gửi tin cảnh báo cho địa phương chủ động ứng phó với thiên tai hiệu quả. Sở TT&TT thường xuyên đưa ra các cảnh báo thiên tai thông qua ứng dụng zalo trên điện thoại thông minh. Công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ cho vùng bị thiệt hại sau mỗi đợt mưa, lũ được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện kịp thời.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh liên tục diễn biến cực đoan, khó lường; thiên tai thường xuyên xảy ra với cấp độ cảnh báo lớn, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản: Toàn tỉnh có trên 6.200 ngôi nhà bị ảnh hưởng ở các mức độ thiệt hại khác nhau; trên 1.410 ha ngô, 537 ha lúa, 12,99 ha đất ruộng, vườn bị ngập úng, sạt lở, vùi lấp; trên 406 ha hoa màu bị thiệt hại; 4.000 m2 nhà lưới bị sập; trên 23 ha ao nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ; 70 con gia súc, 2.210 con gia cầm, 60 tổ ong bị chết, cuốn trôi; nhiều lồng cá, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chè, Thảo quả, dược liệu, rau đậu,… bị thiệt hại nặng nề. Có 31 trường và điểm trường học bị hư hỏng. Đặc biệt, hàng chục tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã, đường đô thị bị ngập úng cục bộ, sạt lở đất đá taluy dương tràn ra mặt đường với khối lượng trên 28.360 m3, khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ. 33 tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Giang bị ngập nước, vị trí ngập sâu nhất lên đến 1,2 m; một số đập thủy lợi, đập đầu mối và 5.670 m kênh mương nội đồng bị hư hỏng; 8 cột điện 0,4 Kv bị gãy đổ. 2 nhà máy thủy điện bị đất, đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc; 20 hội trường thôn bị tốc, sập mái... Tổng thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng ước trên 350 tỷ đồng; thiệt hại của 2 nhà máy thủy điện Thái An và Thuận Hòa là 370 tỷ đồng. Ngay khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã kịp thời động viên, thăm hỏi và hỗ trợ kinh phí cho các gia đình có người bị chết; UBND tỉnh bố trí kinh phí trên 7,6 tỷ đồng hỗ trợ cho địa phương bị thiệt hại khắc phục hậu quả; giúp người dân ổn định cuộc sống.
Dự báo trong những tháng cuối năm, thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường, cực đoan; do đó, các địa phương và người dân cần thường xuyên nắm bắt và theo dõi diễn biến để kịp thời thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Bài, ảnh: AN GIANG