English | Tiếng Việt
Thứ 2, 13/01/2025, 18:47

Ý nghĩa rút ra từ bài học phòng chống đại dịch covid - 19

15:41, 24/07/2020

BHG - Khi bài này lên khuôn thì trên thế giới vẫn đang rộ lên về đại dịch Covid-19 mà con số người mắc bệnh, người bị tử vong cứ diễn ra ngày một tăng, các nước cũng có quan điểm rất khác nhau về cách xử sự, đối phó với đại dịch.

Du khách khai báo y tế khi vào địa bàn Hà Giang trong thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19. ảnh: Hải Quỳnh
Du khách khai báo y tế khi vào địa bàn Hà Giang trong thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19. ảnh: Hải Quỳnh

Trong lúc đó rất mừng ở Việt Nam, một trong những nước bị dịch sớm, đã không để cho dịch lây lan ra cộng đồng được hơn 3 tháng và không có ca tử vong vì dịch, mặc dù có những ca “thập tử nhất sinh”. Có thể nói đây là một thành công diệu kỳ, thể hiện sức mạnh tổng hợp của một dân tộc, một chế độ chính trị được thử thách trong thực tiễn cách mạng và lúc này được hiện hữu rõ trên mặt trận chống kẻ thù là đại dịch “vô hình”.

Bạn bè quốc tế đặt câu hỏi tại sao Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh tế, trình độ y tế chưa thật cao mà hạn chế được số ca nhiễm bệnh, đến nay sau một thời gian dài đã không ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều ca nhiễm nặng được chữa khỏi. Còn nhân dân Việt Nam thì tự hào khi lúc này được sống bình yên, cả đất nước ổn định và đang dồn sức vào việc khắc phục hậu quả, tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển.

Câu trả lời có thể gói gọn đó là do bản chất của chế độ ta, chế độ xã hội chủ nghĩa tất cả vì con người. Từ đó mà đã có chủ trương đúng ngay từ đầu, huy động mọi nguồn lực cho việc chống đại dịch Covid-19. Sự lãnh đạo chỉ đạo với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” được thể hiện kịp thời, sáng tạo, đầy trách nhiệm trong việc dự báo, phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, tập trung chữa trị… đồng bộ, sát sao, thống nhất với một quyết tâm và trách nhiệm rất cao. Luôn chăm lo đảm bảo an sinh cho dân, để không ai bị bỏ lại phía sau, không được chăm sóc, không được chữa trị, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam. Việt Nam luôn xác định chống dịch Covid-19 phải gắn với cộng đồng nhân loại, Việt Nam đã chia sẽ kinh nghiệm và gửi thiết bị y tế, vật tư y tế, khẩu trang, quần áo bảo hộ cho nhiều nước trên thế giới, giá trị vật chất tuy không lớn nhưng đó là những biểu hiện của tấm lòng chia sẻ thiết thực lúc hoạn nạn, tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam.

Qua việc phòng chống đại dịch Covid-19 ở cả nước cũng như ở tỉnh Hà Giang, có thể rút ra một số bài học có ý nghĩa thiết thực. Đó là, vì sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết mà dồn mọi sức lực vào việc chống dịch. Nêu cao ý thức tự giác cho dân hiểu và dân đồng tình thì những biện pháp nêu ra mới được sự hợp tác của người dân. Việc cung cấp thông tin về dịch bệnh thực hiện kịp thời, minh bạch, công khai để mọi người dân hiểu và thực hiện nghĩa vụ của mình.

Đó là, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền. Đặc biệt quan tâm đến các lực lượng nòng cốt và xung kích như y tế, công an, quân đội và huy động sức mạnh của toàn xã hội đoàn kết chung quanh Mặt trận Tổ quốc… Sự hợp đồng và phối hợp khoa học, chặt chẽ, kỷ cương, thực hiện đồng bộ và thiết thực.

Đó là, điều hành “mục tiêu kép” phù hợp, tháo gỡ áp lực kinh tế và quan tâm thực hiện an sinh xã hội. Sự đánh đổi giữa tính mạng, sức khỏe với tiền bạc, lợi nhuận; giữa quyền sống với các quyền về kinh tế không phải nước nào cũng giải quyết thỏa đáng nếu không trên cơ sở vì người dân, vì nghĩa đồng bào. Chỉ có nhà nước ta mới có những quyết sách đúng và sáng suốt. Đến khi biết chắc không có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng thì mới dừng giãn cách xã hội, nhưng luôn theo dõi đề phòng để ngăn ngừa dịch tái phát.

Đó là, dù khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho nhóm người lao động có thu nhập thấp bị ảnh hưởng của đại dịch. Chính phủ có quyết định hỗ trợ kịp thời nên hạn chế được về cơ bản hậu quả của đại dịch, để lúc này có cơ sở đưa ra những giải pháp khắc phục và tranh thủ thời cơ phát triển. Trong khó khăn đã có những sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, nắm bắt cơ hội chuyển đổi số.

Lúc này toàn Đảng đang tiến hành Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, thiết nghĩ những kết quả của việc phòng chống đại dịch Covid-19 góp phần quan trọng vào cũng cố và nâng cao niềm tin yêu của toàn dân với Đảng; đồng thời là một thực tế sống để trả lời với những ai còn hoài nghi, thậm chí còn tung tin xuyên tạc về tính ưu việt của chế độ, về sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong giai đoạn lịch sử rất quan trọng này.

Hoàng Duy


Cùng chuyên mục

Hội Phụ nữ Biên phòng, Quân sự, Công an viếng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên

BHG - Ngày 23.7, Hội Phụ nữ 3 lực lượng Biên phòng, Quân sự, Công an tổ chức dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Trước vong linh của hơn 1.800 liệt sỹ đang yên nghỉ tại nghĩa trang, đoàn đại biểu Hội Phụ nữ 3 lực lượng đã kính cẩn nghiêng mình dâng hương, hoa và nén tâm nhang tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc trước các liệt sỹ đã anh dũng ...

23/07/2020
Phát động Chương trình " tiếp sức mùa thi" tình nguyện hè năm 2020

BHG - Sáng 23.7, tại sân xi măng thành phố Hà Giang, Thành đoàn Hà Giang phối hợp với Đoàn khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2020. Dự có lãnh đạo Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh; Tỉnh đoàn và các tình nguyện viên.

 

23/07/2020
Bắc Quang tổng kết Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa, giai đoạn 2015 - 2020

BHG - Ngày 22.7, huyện Bắc Quang tổ chức Hội nghị tổng kết, kết thúc Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hoá (CPRP), giai đoạn 2015 - 2020. Huyện Bắc Quang có 4 xã tham gia Chương trình CPRP là Đức Xuân, Thượng Bình, Đồng Tiến, Tân Lập. Tổng số hộ được hưởng lợi từ chương trình là 1.810 hộ, với 7.903 khẩu, chiếm 93,1% tổng số hộ trong các xã thực hiện chương trình; trong đó hộ nghèo và cận nghèo là 1.141 hộ, 5.107 khẩu. 

23/07/2020
"Đâu cần thanh niên có"

BHG - "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", thấm nhuần lời dạy của Bác, tuổi trẻ miền cực Bắc luôn xung kích, tình nguyện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo dựng hình ảnh đẹp về thế hệ thanh niên thời đại mới. Toàn tỉnh hiện có gần 200.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Lực lượng ĐVTN luôn sống có lý tưởng, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; sẵn sàng đảm nhận những việc mới, ...

23/07/2020