Chiếc loa của "Tơn văn hóa"
BHG - Như một thói quen, mỗi sáng đến trụ sở làm việc, anh Ma Quang Tơn, công chức văn hóa xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) lại thực hiện công việc thường ngày: Khởi động máy tính, kiểm tra Email và gọi điện đến Trung tâm Văn hóa – thông tin – du lịch huyện; coppy nội dung tuyên truyền về phòng, chống đại dịch Covid-19 đã được biên tập bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông cùng những văn bản mới trong việc phổ biến giáo dục pháp luật, những gương làm kinh tế giỏi,… cùng đó là chằng buộc chiếc loa phát thanh lên xe máy rồi di chuyến đến các thôn, bản trong xã để phát những nội dung cần tuyên truyền. Theo lịch, địa bàn tuyên truyền của anh hôm nay là thôn Bản Tại; anh Tơn chia sẻ: Từ tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, anh được phân công nhiệm vụ đưa thông tin đến từng nhóm hộ, hộ dân; nên thời gian nghỉ ngơi hầu như không có. Mỗi ngày mình đi hai thôn, sau đó lại quay vòng; nhiều khi mưa, gió, nhưng thời điểm này, người dân cần mình nên phải cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Anh Ma Quang Tơn tuyên truyền tại cơ sở. |
Niêm Sơn là xã thuần nông và có địa bàn rộng; dân cư các thôn, bản lại sống không tập trung… Có lẽ, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc, cũng giống như tất cả các hộ dân đang sinh sống trên địa bàn huyện biên giới; người dân xã Niêm Sơn cũng bị ảnh hưởng đến tâm lý. Và lúc này, chiếc loa di động của Ma Quang Tơn mới thật sự phát huy hiệu quả. Ở Niêm Sơn vẫn còn một số thôn, bản chưa có điện, do vậy, loa của anh Tơn thực sự là cầu nối quan trọng để đưa thông tin về dịch và cách phòng, chống đến với mỗi người dân nơi đây. Ông Lý Văn Nguyên, thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn, cho biết: Dịch bệnh Covid này sợ lắm, có loa vào đến tận nhà tuyên truyền nên các gia đình ở đây cũng mới hiểu và chấp hành nghiêm túc; nên khi có việc thật sự cần thiết thì mới ra ngoài, mà đã ra đường thì phải đeo khẩu trang không thì nguy cơ lây bệnh rất cao.
Cùng với công năng của hệ thống loa truyền thanh không dây của xã đang được lắp đặt tại các thôn, bản; đối với loa di động thì hiệu quả hơn vì có thể đem đi bất cứ đâu… từ trên đỉnh núi đến bờ sông, hoặc đang làm nương; bà con cũng có thể nghe được. Ngoài ra, chiếc loa còn khá gần gũi, thiết thực với người dân địa phương, nhất là với những người lớn tuổi, ít đi ra ngoài, không rành dùng điện thoại, internet để đọc tin tức. Thực tế cho thấy, những thông tin phát ra từ loa di động đã giúp nhiều người có cái nhìn chính xác, nắm thông tin đúng về cách phòng ngừa dịch bệnh để thực hiện; không chỉ thông tin về tất cả các lĩnh vực, nhất là dịch bệnh ở người, gia súc và cây trồng cũng đều được truyền tải tới người nghe; tạo sự gần gũi giữa cấp ủy, chính quyền với những người dân địa phương.
Trở lại với chiếc loa của anh Ma Quang Tơn đang ngày ngày âm thầm len lỏi vào từng ngõ ngách, nhà dân để phát những bản tin trên tất cả các lĩnh vực… Việc làm này, không chỉ giúp người dân cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh mà còn hiểu rõ tình hình dịch bệnh ở nước ta; qua đó, cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh…
Bài, ảnh: MINH ĐỨC