Bảo hiểm thất nghiệp - điểm tựa cho người lao động
BHG - Trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực; dẫn đến việc làm của một bộ phận không nhỏ người lao động (NLĐ) bị cắt giảm như hiện nay thì việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã phát huy tính nhân văn và được coi là “điểm tựa” cho NLĐ không may bị mất việc làm khi chưa tìm được công việc mới để ổn định cuộc sống.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. |
Tham gia BHTN, NLĐ sẽ được bù đắp một phần thu nhập khi bị mất việc làm. Đồng thời, họ cũng sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề trong thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Để cụ thể hóa các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người thất nghiệp làm các thủ tục hưởng trợ cấp; với chức năng, nhiệm vụ tỉnh giao, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thành lập 3 văn phòng tư vấn giới thiệu việc làm, BHTN theo cụm tại 3 huyện: Bắc Quang, Yên Minh và Hoàng Su Phì; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về BHTN bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về BHTN, nhất là đối với những NLĐ ở vùng sâu, vùng xa, ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức tiếp nhận, xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết chính sách BHTN theo đúng thời gian và quy định của pháp luật.
Hằng năm, Trung tâm tham mưu cho Sở LĐ - TBXH phối hợp với BHXH tỉnh kiểm tra việc thu - chi chính sách BHTN tại BHXH các huyện, thành phố; khảo sát tình hình đời sống thu nhập của NLĐ tham gia BHTN tại cơ sở nhằm nắm bắt những hạn chế, khó khăn vướng mắc phát sinh để có ý kiến, kiến nghị điều chỉnh, giải quyết. Tăng cường kết nối thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhằm cung cấp đa dạng thông tin vị trí việc làm, giúp NLĐ có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp, hạn chế tình trạng thất nghiệp, tìm được việc làm mới, góp phần ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Anh Trần Đức Thuận, sinh năm 1990, trú tại tổ 8, phường Quang Trung (TPHG) đi làm việc tại Công ty TNHH IVS - Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 6 năm làm việc, đến tháng 3.2020, công ty cắt giảm nhân viên nên anh Thuận trở về địa phương; trong thời gian làm việc tại Công ty TNHH IVS, anh Thuận được công ty đóng BHTN đầy đủ, khi nghỉ việc, anh đã làm đơn để hưởng TCTN, với số tiền 9,3 triệu đồng/tháng, thời gian hưởng là 6 tháng. Với số tiền được trợ cấp, cùng tiền tích cóp được, anh Thuận đã vượt qua được những khó khăn trong thời gian đầu mất việc và hiện đang có cơ hội lớn để tìm kiếm một công việc mới phù hợp tại quê nhà. Cũng như anh Thuận, anh Nguyễn Văn Sương, thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) làm việc cho Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và khám phá được trên 3 năm. Vừa qua, công ty cho anh nghỉ việc và anh đã đến Phòng BHTN-Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm thủ tục hưởng TCTN; căn cứ vào thời gian làm việc và mức đóng BHTN, anh Sương đã nhận được số tiền TCTN trên 5,6 triệu đồng, số tiền không lớn nhưng đã giúp anh vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu và giúp anh tìm kiếm một công việc phù hợp hơn.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm tiếp nhận 1.073 hồ sơ đề nghị hưởng TCTN của NLĐ bị mất việc làm, đã thẩm định hồ sơ và thực hiện chính sách TCTN cho 902 người, với tổng số tiền chi trả trên 10 tỷ 970 triệu đồng. Khẳng định vai trò của BHTN trong việc đảm bảo an sinh xã hội, ông Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: Khi tham gia BHTN, NLĐ mất việc làm không chỉ được trợ cấp một khoản kinh phí để trang trải cho cuộc sống, mà còn được giúp đỡ về mặt tinh thần, được tư vấn tìm việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề. Với ý nghĩa đó, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, hướng nghiệp cho NLĐ, đưa NLĐ bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động; tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở, các đơn vị sử dụng lao động đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ, đơn vị sử dụng lao động hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHTN; từ đó tạo, được sự gắn kết giữa NLĐ với đơn vị sử dụng lao động.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC