Tết đầm ấm của học sinh vùng cao
BHG - Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý, khi những cành hoa đào đang bung nở, chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ) được thấy thầy và trò nhà trường đang tất bật chuẩn bị ăn Tết. Bất chấp thời tiết giá lạnh của vùng cao biên giới, cô và trò vẫn phấn khởi cùng nhau dọn dẹp trường, lớp, người quét sân, người chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng tạo ra một không khí rộn ràng.
Thầy và trò trường PTDTBT tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ) gói bánh chưng ăn Tết |
Cô Đinh Loan Vân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Nghĩa Thuận, cho biết: “Nhà trường tổ chức cho học sinh gói bánh chưng ăn Tết từ năm 2017, với mong muốn chăm lo cho học sinh có một cái Tết sum vầy, để các em cảm nhận được niềm vui của ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Bắt nguồn từ tiền vốn huyện cho nhà trường 10 triệu đồng để mua lợn về chăn nuôi, thực hiện các mô hình cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học sinh trong trường học. Từ đó chúng tôi duy trì đàn lợn của nhà trường, cứ đến cuối năm là trường bỏ thêm kinh phí và mổ lợn cho học sinh ăn Tết”.
Thầy giáo dạy các em học sinh gói bánh chưng |
Được biết, toàn trường có hơn 400 học sinh, để chuẩn bị cho học sinh ăn Tết, năm nay nhà trường đã thịt 1 con lợn do trường tự nuôi và mua 30 cân gạo nếp, 5 cân đỗ để gói bánh chưng và làm cơn tất niên cho các em ăn Tết. Bên cạnh đó, thực hiện giáo dục kỹ năng sống, trường tổ chức hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền, dạy học sinh gói bánh chưng. Em Sân Thị Nương, học sinh lớp 5B, dân tộc Nùng, vui vẻ chia sẻ: “Em được tham gia gói bánh chưng ở trường lần này là lần thứ 3 rồi. Em cảm thấy rất vui khi được học cách gói bánh chưng và biết thêm về phong tục ngày Tết của các dân tộc khác nhau trên khắp mọi miền Tổ quốc, sau đó các thầy cô sẽ đi nấu bánh chưng và chuẩn bị đồ ăn cho chúng em ăn Tết”.
Với ý tưởng sáng tạo, các thầy cô đã đem đến cho học sinh sự trải nghiệm thú vị về việc gói bánh chưng ngày Tết. Em Ma Thùy Linh, học sinh lớp 4B, dân tộc Mông, cho biết: “Cứ đến gần Tết là nhà trường lại tổ chức gói bánh chưng, em rất yêu thích hoạt động này. Các thầy cô không chỉ dạy cách gói bánh chưng vuông mà còn dạy chúng em gói bánh chưng gù”.
Ngoài các giờ dạy học trên lớp, các thầy cô giáo còn như những người cha, mẹ, dạy cho học sinh của mình cách ăn, ở, vệ sinh hàng ngày và trong ngày Tết lại dạy các con gói bánh chưng. Thông qua cách giảng dạy tỉ mỉ, nhẹ nhàng để các em có thêm sự hiểu biết về phong tục của nhiều dân tộc và sự giao thoa của nhiều nền văn hóa. Thầy Trịnh Trọng Thiết, Phó Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: “Qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, chúng tôi giáo dục cho học sinh về các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, mỗi một dân tộc sẽ có phong tục ngày Tết khác nhau, cách gói bánh chưng riêng. Thông qua đó tạo thêm hoạt động hấp dẫn tại trường học cho học sinh tham gia, để các em thêm yêu trường, lớp, không nghỉ học tự do”.
Nhờ vậy, trong nhiều năm qua tỷ lệ học sinh đến trường của trường luôn đạt 100%. Sau bữa ăn Tết tại trường, các em vui vẻ cắp cặp sách trở về nhà ăn Tết với gia đình và niềm vui vẫn lưu lại mãi trong tâm trí các học sinh vùng cao.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc