Xã hội hóa giáo dục ở Bắc Mê
BHG - Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã có những đổi mới, tạo nên xu thế mới; trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục tốt hơn không chỉ còn riêng của Nhà nước, mà trở thành sự đóng góp của toàn xã hội, qua đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giảm nguồn chi ngân sách. Đặc biệt tại các huyện vùng cao, việc xã hội hóa (XHH) giáo dục đã góp phần tạo cho các em tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn.
Điểm trường Thâm Thiên (xã Đường Âm) do chùa Trung Tự (Hà Nội) hỗ trợ xây dựng, phục vụ năm học mới. |
Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tại Bắc Mê, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy, công tác XHH giáo dục được phổ biến rộng khắp với nhiều cách làm và phương pháp hiệu quả. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Phòng đã triển khai chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản, hướng dẫn của các cấp về công tác XHH giáo dục tới 100% các đơn vị. Nguồn từ XHH được các trường tập trung xây dựng hạng mục của nhà trường, nhằm phục vụ cho hoạt động học tập, vận động của học sinh, mọi khoản đóng góp được công khai minh bạch. Phòng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác XHH tại các cơ sở giáo dục, từ đó góp phần không nhỏ vào nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại huyện...”.
Thông qua các hoạt động ủng hộ như: Tiền mặt, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt, ngày công lao động của phụ hyunh học sinh và nhân dân trên địa bàn; trong năm học 2018-2019, toàn huyện đã nhận được hơn 12 tỷ đồng từ công tác XHH với sự đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện. Đặc biệt có 2 dự án của người nước ngoài: Xây dựng điểm trường Phiềng Sủi, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Giáp Trung, xã Giáp Trung của Đại sứ quán nước Cộng hòa Azerbaijan với số tiền tài trợ trên 633 triệu đồng; hỗ trợ nhân đạo, xây dựng trường học của Tổ chức Loan Stiftung (CHLB Đức) tại điểm trường Bản Đúng, xã Đường Hồng. Cùng với đó là sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2,5 tỷ); Quỹ xây dựng vùng cao; chùa Phổ Quang, chùa Trung Tự ( Hà Nội)...
Chia sẻ về cách làm, cách tiếp nhận sự đóng góp của các tấm lòng hảo tâm, các đơn vị trong huy động nguồn lực từ xã hội, cô Trần Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Giáp Trung chia sẻ: “Với mục tiêu kết nối từ thiện để xây dựng các điểm trường, lớp học, công trình phụ, nâng cao chất lượng sống của các em... trong những năm học qua, trường đã không ngừng đẩy mạnh công tác XHH, đến nay đã kết nối xây dựng 7/15 điểm trường, mỗi điểm huy động được từ 50 – 700 triệu đồng, làm được 6 sân bê tông, 3 nhà vệ sinh trường học, cùng nhiều đồ dùng học tập, quần áo cho học sinh. Để có được kết quả đó, trường đã kết nối được với các nhóm từ thiện, Quỹ nhân ái của Hà Giang, các cựu học sinh Trường Chu Văn An, đặc biệt là các đơn vị đỡ đầu…; xây dựng được lòng tin, chia sẻ khó khăn thực tế với nhà trường”.
Năm học mới sắp đến, cùng với việc vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự đồng hành của các nhà hảo tâm, tại những nơi vùng sâu, vùng xa, những điểm trường khó khăn đã thay mầu áo mới, khang trang, sạch đẹp hơn đón chào các em. Kết quả của công tác XHH đã góp phần tích cực giúp các em có cơ hội được học tập, nuôi dưỡng những ước mơ.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc