Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin
BHG - Dù chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng nỗi đau mang tên “da cam” đến nay vẫn thực sự nhức nhối. Vì vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và Công ty TNHH Sơn Lâm bàn giao nhà, trâu giống cho gia đình ông Nguyễn Thế Hiệu, xã Quang Minh (Bắc Quang). |
Chất độc hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã làm cho hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm. Nhiều nạn nhân là con, cháu do bị di chứng của chất độc da cam/dioxin làm mất hoặc giảm khả năng lao động, dị dạng, câm, điếc, mù, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn… Những năm qua, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” và phong trào hành động “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã kiện toàn tổ chức từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm chung tay, góp sức chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân từng bước cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.049 nạn nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng; trong đó, trợ cấp nạn nhân da cam/dioxin bị nhiễm trực tiếp 793 người gồm: 150 người bị mắc bệnh suy giảm khả năng lao động từ 21% - 40%; 475 người suy giảm khả năng lao động từ 41% - 60%; 135 người suy giảm khả năng lao động từ 61% - 80%; 33 người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm gián tiếp 240 người, gồm: 202 người suy giảm khả năng lao động từ 61% - 80%; 38 người suy giảm khả năng lao động trên 81% và 16 người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Cùng với đó, còn hơn 2.000 nạn nhân chưa được hưởng chế độ chính sách, trong đó đối tượng trực tiếp là 1.296 người; đối tượng gián tiếp là thế hệ thứ 2 là 638 người, thế hệ thứ 3 là 241 người.
“Sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tôi lập gia đình và sinh được 5 người con, nhưng tất cả 5 đều bị tâm thần do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Vì sức khỏe lao động giảm sút và phải chăm sóc các con nên gia đình tôi rất khó khăn, ăn bữa trước lại lo bữa sau, nhà thì tạm bợ. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nay gia đình tôi đã xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang và cũng được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh ủng hộ mua một con trâu để phát triển kinh tế. Giờ gia đình tôi không phải lo mỗi khi nắng mưa nữa” - cựu chiến binh Nguyễn Thế Hiệu, xã Quang Minh (Bắc Quang) tâm sự.
Đồng chí Dương Tiến Soạn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin tỉnh, cho biết: Hiện nay, tỉnh có 7/11 Hội cấp huyện, thành phố; 72/195 Hội cấp xã, phường, thị trấn. Nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, các cấp Hội luôn tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ phát triển kinh tế, sửa chữa nhà cửa cho các gia đình nạn nhân. Từ đầu năm đến nay, Hội đã kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ, thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân trong dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng; ủng hộ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn mua trâu, bò trị giá 175 triệu đồng; hỗ trợ làm nhà và sửa chữa nhà cho 8 gia đình, trị giá 260 triệu đồng; hỗ trợ 15 nạn nhân đi khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và T.Ư. Đồng thời, Hội đã xây dựng được Qũy hỗ trợ và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Sự chung tay xoa dịu nỗi đau da cam của các cấp, ngành, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã kịp thời động viên các nạn nhân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng...
Bài, ảnh: HOÀNG TUYẾN
Ý kiến bạn đọc