Hoàng Su Phì quản lý sức khỏe theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
BHG - Trong thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai Đề án “Bác sĩ gia đình và mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020” theo Quyết định số 793/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện Hoàng Su Phì đã triển khai khám, thu thập thông tin để quản lý sức khoẻ cho người dân theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (PKBSGĐ) tại một số xã trên địa bàn. Bước đầu, đã góp phần cung cấp dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người dân.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hoàng Su Phì khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân xã Hồ Thầu. |
Theo đề án PKBSGĐ, đối tượng khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân là toàn bộ người dân trên địa bàn các xã Thông Nguyên, Hồ Thầu, Ngàm Đăng Vài. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai tại các xã Tụ Nhân, Pố Lồ và Nậm Dịch. Mọi người dân đều được thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe; được theo dõi, tư vấn và CSSK ban đầu; được điều trị hoặc được chuyển tuyến phù hợp khi có bệnh... Đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở hiện có; nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cơ sở, thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý sức khỏe, theo dõi tình hình bệnh tật và CSSK cho người dân gắn với Bảo hiểm y tế toàn dân.
Người dân sẽ được chia thành các nhóm đối tượng: Trẻ dưới 6 tuổi; học sinh; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, người cao tuổi, người hưởng BHXH hàng tháng; người lao động tự do và các đối tượng khác. Việc tổ chức khám sức khỏe cho từng người dân bao gồm khám lần đầu và khám định kỳ mỗi năm một lần được thực hiện theo 3 phương thức tương ứng với mỗi nhóm đối tượng: Khám tại trạm y tế; khám tại các trường học và khám tại các cơ quan đơn vị. Sau khi khám sức khỏe, trên cơ sở xác định rõ tiền sử bệnh tật gia đình, tiền sử bệnh tật cá nhân hoặc yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; các cơ sở y tế thực hiện tư vấn CSSK cho người dân gồm: Tư vấn phòng bệnh, khám định kỳ, theo dõi, CSSK; tư vấn về dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, luyện tập thể thao, CSSK sinh sản; tư vấn điều trị tại trạm y tế hoặc chuyển tuyến khám, điều trị cho phù hợp...
Ông Lý Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện, cho biết: Qua những đợt khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân theo mô hình PKBSGĐ nhận được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên từ cấp ủy và chính quyền các cấp. Đa phần người dân tham gia đều rất tích cực và nhiệt tình trong việc phối hợp cung cấp thông tin, lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Tại các xã Thông Nguyên, Hồ Thầu, Ngàm Đăng Vài, tổng số hộ gia đình của 3 xã được lập hồ sơ là 1.482/1.603 hộ, đạt 92,45%; tổng số khẩu của 3 xã được lập phiếu quản lý sức khỏe là 6.560/7.802 khẩu, đạt 84,08%.
Tuy nhiên, bước đầu triển khai mô hình trên địa bàn vẫn còn vướng một số khó khăn, như: Thiếu kinh phí cho các hoạt động truyền thông, công tác phí cho các viên chức Trung tâm y tế, Bệnh viện Đa khoa, trạm y tế đi hỗ trợ khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe ở các xã; nhiều xã đường giao thông khó khăn, dân cư phân bố rải rác, nhiều người trong gia đình trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa gây khó khăn cho việc thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Bên cạnh đó, cán bộ y tế chưa được tập huấn, hướng dẫn về cách nhập số liệu vào phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân trên hệ thống phần mềm Y tế xã, phường; việc khám theo nhóm học sinh tại trường học chưa hiệu quả vì chưa khai thác được tiền sử bệnh lý cá nhân...
Có thể nói, việc thực hiện mô hình PKBSGĐ là cơ sở đầu tiên góp phần nâng cao chất lượng CSSK người dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì theo hướng toàn diện và liên tục. Qua đó, giúp các cơ sở y tế sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Bài, ảnh: Đại Tâm
Ý kiến bạn đọc