Thành phố Hà Giang thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm
BHG - Thành phố Hà Giang là địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Thời gian qua, các ban, ngành chức năng của thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà hàng Sơn Thúy, phường Quang Trung. |
Đến nay, trên địa bàn thành phố có tổng số 750 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong đó, có 18 cơ sở sản xuất, 149 cơ sở kinh doanh hàng ăn uống, 192 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 16 bếp ăn tập thể và 375 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Để công tác đảm VSATTP được thực hiện hiệu quả, ngay từ đầu năm, thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân địa phương. Theo đó, thành phố đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Tháng hành động vì ATTP” tại UBND phường Quang Trung (tháng 4.2019) với trên 200 người tham dự. Ban Văn hóa các xã, phường thực hiện tuyên truyền về VSATTP trên đài FM, loa truyền thanh được 369 lần. Truyền thông trực tiếp về ngộ độc thực phẩm và cách phòng, chống tại các thôn bản, tổ dân phố, các trường học, chợ và tư vấn, hướng dẫn trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được 145 buổi với trên 13.600 người tham gia, phát 570 tờ rơi về phòng, chống ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các kiến thức khoa học về đảm bảo ATTP; các điều kiện đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hành tốt vệ sinh cá nhân khi tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn, đấu tranh với các hành vi vi phạm về VSATTP, phòng tránh ngộ độc rượu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt an toàn, đúng quy định; phòng ngộ độc nấm độc, các loại cây, quả rừng có độc tố tự nhiên… Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 61 người tại 38 cơ sở. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố không có ngộ độc do thực phẩm xảy ra.
Cùng với đó, để tăng cường quản lý chất lượng VSATTP, thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác VSATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; định kỳ và đột xuất kiểm tra hàng tháng đối với các đơn vị trường học có bếp ăn tập thể. Qua các đợt kiểm tra, giám sát đã nhắc nhở, cảnh cáo, yêu cầu chủ 74 cơ sở chấp hành nghiêm các điều kiện về VSATTP; xử phạt hành chính 8 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 20 triệu đồng. Cùng với đó, Trung tâm Y tế thành phố cũng chỉ đạo các trạm y tế xã, phường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong số 443 cơ sở được kiểm tra, giám sát qua các đợt, có 365 cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP, 82 cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn.
Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, Nguyễn Thị Dự, cho biết: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan đến 6/8 xã, phường của thành phố (phường Minh Khai, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung, xã Phương Thiện, Ngọc Đường). Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Trung tâm đã yêu cầu cán bộ trạm y tế các xã, phường thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các hộ chăn nuôi, giết mổ, buôn bán lợn trên địa bàn và tổng hợp, báo cáo thông tin cơ sở hàng ngày. Đồng thời, Trung tâm sẽ tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình dịch bệnh, cách chọn, mua và sử dụng thực phẩm an toàn; góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và ổn định thị trường trên địa bàn.
Bài, ảnh: YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc