Nhiều giải pháp hạn chế dân di cư tự do
BHG - Trong những năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển KT-XH. Từ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sắp xếp ổn định cuộc sống, giảm tình trạng di cư tự do (DCTD).
Người dân thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ) được hỗ trợ xây mới nhà ở, ổn định cuộc sống sau đợt thiên tai tháng 6.2018. |
Tính từ năm 2005 đến 2018, toàn tỉnh có 956 hộ với 4.443 khẩu DCTD đến các tỉnh; dân di cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, số lượng dân DCTD khỏi địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua đang có xu hướng giảm: Giai đoạn 2005 – 2010 có 702 hộ với 3.319 khẩu DCTD đi các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lâm Đồng; giai đoạn 2011 - 11/2018 có 254 hộ với 1.124 khẩu DCTD đi các tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Đắk Lắk, Gia Lai. Theo khảo sát, nguyên nhân của tình trạng DCTD là do đa số các hộ có đông nhân khẩu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, như: Thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt… Trình độ dân trí còn thấp, chưa nhận thức được tác hại của việc DCTD đến nơi khác để sinh sống sẽ gặp thuận lợi hay khó khăn nên bị các phần tử xấu lôi kéo di cư. Hoặc có họ hàng thân nhân di cư từ những năm trước, nay đi để đoàn tụ, sinh sống cùng nhau.
Số lượng dân DCTD ra khỏi địa bàn tỉnh thời gian qua đã giảm do tỉnh có sự chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển KT-XH như: Ban hành Đề án quy tụ dân cư giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2018-2020 của tỉnh đã quy tụ được trên 6.000 hộ về nơi ở mới, các hộ sau khi di chuyển nhà ở đã ổn định cuộc sống, có nhà ở khang trang hơn so với trước khi chưa thực hiện di chuyển. Tỉnh đã đầu tư xây mới 115 hồ chứa nước sinh hoạt tập trung với dung tích trên 406.000 m3, giải quyết cấp nước cho khoảng 56 nghìn người; đầu tư trên 33.560 bếp đun cải tiến tại 71 xã, 665 thôn cho các huyện vùng cao phía Bắc. Hỗ trợ các hộ trồng trên 22.229 ha cỏ đảm bảo thức ăn cho trên 287.518 con gia súc; ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa; giúp 7.038 hộ vay trên 613 tỷ đồng để các hộ vay vốn phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Đặc biệt việc bố trí dân cư theo hình thức xen ghép của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Trong 6 năm hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng cho trên 8.000 hộ được bố trí xen ghép tại các thôn, bản.
Từ những chính sách trên có thể khẳng định việc thực hiện đề án quy tụ dân cư gắn với xây dựng Nông thôn mới của tỉnh, cùng với các chương trình khác đã góp phần hạn chế tình trạng DCTD; minh chứng là số dân DCTD năm sau giảm so với năm trước và giảm đáng kể trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê từ Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay mới có 1 hộ với 6 khẩu DCTD đến tỉnh Đắk Lắk.
Theo Thượng tá Lù Quốc Hưng, Trưởng phòng An ninh xã hội Công an tỉnh, cho biết: Để hạn chế tình trạng DCTD và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, ngành chuyên môn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chính sách để ổn định dân cư. Cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân về quyền công dân ở nơi cư trú vì trên thực tế ở cơ sở còn nhiều người chưa nắm được. Từ đó nâng cao nhận thức của bà con không DCTD và không tham gia gây mất an ninh trật tự trên địa bàn; phòng, tránh các tổ chức, đối tượng phản động lợi dụng lôi kéo nhân dân DCTD, tham gia các hoạt động trái pháp luật.
Để giảm tình trạng DCTD trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh đã đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Hà Giang thực hiện quy tụ dân cư theo hình thức xen ghép trong giai đoạn 2018-2020 cho 4.692 hộ với nhu cầu kinh phí trên 90 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện, bố trí nguồn vốn để tỉnh sớm hoàn thành các đề án, dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư còn dở dang, cho người dân yên tâm ở lại nơi ở cũ, hạn chế tình trạng DCTD.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc