Ngộ độc do ăn phải thức ăn không rõ nguồn gốc
BHG - Hàng ngày chúng ta vẫn phải sử dụng nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán trên thị trường. Đặc biệt là tại các chợ phiên vùng sâu, vùng xa. Việc bày bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao gói, không hạn sử dụng đang là vấn đề báo động, như: Kem túi, sữa chua không bao mác, thịt đông lạnh, cá khô không đóng gói, mỡ nước không đóng chai kín, bún khô, phở khô, nước uống có phẩm màu lòe loẹt không có tên cơ sở sản xuất và hạn sử dụng. Tuy các loại thực phẩm đó không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng, nhưng sản phẩm vẫn bán chạy vì giá rẻ, đặc biệt là các loại gia vị để chế biến món ăn được tẩm ướp phẩm màu sặc sỡ … Trong đó, đáng chú ý nhất là các loại gia vị như: Nước hàng để kho thịt, dầu hào, măng ngâm, bột làm bánh, váng đậu, gói gia vị để nấu lẩu, nước sốt cà chua, dấm tẩy, bột nước hoa quả… đều có chữ nước ngoài, không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Người tiêu dùng nếu ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất phụ gia quá nhiều trong thời gian dài sẽ gặp những chứng bệnh nguy hiểm do bị kim loại nặng, thuốc kháng sinh và chất kích thích tăng trọng sẽ tích tụ dần trong cơ thể.
Chính vì vậy, để lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn không có hoá chất bảo quản, phẩm màu độc hại người tiêu dùng cần phải quan sát kỹ để lựa chọn những sản phẩm an toàn.
Cách lựa chọn thực phẩm an toàn:
Thực phẩm nhuộm phẩm màu: Được sử dụng khá phổ biến trong nhóm thực phẩm chế biến sẵn như: Bánh, mứt, kẹo, hạt dưa và ở trong gia vị như tương ớt, ớt bột. Đặc biệt, mối nguy cơ cao với nhóm thức ăn đường phố là thịt quay, thịt nướng, các sản phẩm được bán ở các quán hàng rong, các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…Vì thế, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình không nên chọn mua những thực phẩm có màu quá sặc sỡ, lòe loẹt.
Đối với thực phẩm có chứa chất bảo quản: Nếu sử dụng ở mức độ cho phép hoàn toàn không gây hại cho người dùng, mặt khác chất bảo quản trong thực phẩm còn giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm lại quá trình thối rữa, hư hỏng gây ra bởi sự phát triển của các vi sinh vật hay do các thay đổi không mong muốn về mặt hóa học. Tuy nhiên trong thực tế các chất bảo quản rất bị lạm dụng quá mức cho phép, nên chúng trở nên nguy hiểm cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua các hàng hóa có nhãn hiệu, ghi rõ các phụ gia vào thực phẩm và sử dụng liều lượng bao nhiêu đều phải ghi rõ trên bao bì. Nếu không có nhãn hoặc có nhãn nhưng không ghi rõ các nội dung thì người tiêu dùng cần phải cẩn trọng khi chọn mua hàng.
Thực phẩm có chứa thuốc bảo vệ thực vật: Rau quả cũng có thể tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, do bị lạm dụng quá mức nên không được đào thải hết trước khi đi tiêu thụ. Để phòng tránh ngộ độc do ăn phải thực phẩm bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản rau quả người tiêu dùng cần chú ý đến những điểm sau đây:
Khi mua rau, cần chú ý đến cả màu sắc lẫn mùi vị của rau. Nên chọn loại rau có màu xanh tươi tự nhiên (tránh quá xanh đậm, mỡ màng)
Không mua, sử dụng rau quả có mùi, vị lạ, khác thường.
Ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi. Ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy giúp loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm khi rửa. Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy, phần núm quả hay kẽ lá là nơi lưu giữ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất bởi lẽ chỗ đó thường lõm lại. Nên ngâm rau rồi hãy rửa. Rau quả trên bề mặt có lớp biểu bì, nơi thấm hút rất nhiều hoá chất khi tưới lên. Vì vậy, ngâm, rồi rửa rau dưới vòi nước chảy sẽ loại bỏ phần lớn các chất này. Sau khi rửa sạch tốt nhất lại tiếp tục ngâm rau trong nước muối nhạt hoặc thuốc tím. Bởi lẽ, muối làm tăng quá trình hoà tan, khuyếch tán các chất độc, đẩy chúng ra theo nước. Còn thuốc tím là chất oxy hoá mạnh, các tác dụng oxy các chất hữu cơ (chính là thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất kích tích tăng trưởng...) tạo ra các chất khác ít độc hơn.
Thu Ngân (Soạn)
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
Ý kiến bạn đọc