Chung tay chăm sóc người bệnh tâm thần

09:16, 18/12/2018

BHG - “Bệnh tâm thần rất dễ tái phát. Nếu tuân thủ nghiêm các quy tắc trong điều trị thì bệnh có thể được cải thiện, phục hồi hoặc giữ ổn định. Điều này giúp người bệnh tránh sự sa sút về trí tuệ, biết kiểm soát hành vi, tránh những khoảng vô thức có thể gây nguy hại cho bản thân và cộng đồng dân cư” – Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Bá Giang, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ.

Khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có một khu vực điều trị bệnh mà cánh cửa sổ được thay bằng song sắt; hành lang không để thông thoáng mà phải dựng thêm hàng rào sắt; trong phòng không thiếu dây xích, sẵn sàng khóa chân, tay người bệnh; thậm chí, giường bệnh thông thường không thể sử dụng mà phải dùng… giường bê tông. Đó là những hình ảnh dễ thấy ở Khoa Tâm thần. Nói như vậy để thấy rằng, Khoa Tâm thần là một trong những khoa đặc thù của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ở nơi ấy, bệnh nhân đa phần đều là những người không có ý thức hoặc mất ý thức tạm thời. Nhiều người đến Khoa trong trạng thái vô cùng kích động, không hợp tác với người nhà và bác sỹ trong việc chăm sóc, thăm khám, điều trị mà sẵn sàng có những hành động bạo lực để chống trả; thậm chí còn đập phá, gây thiệt hại cơ sở vật chất của Khoa.

Anh Thào Mí T., xã Cán Tỷ (Quản Bạ) chăm sóc bố tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Anh Thào Mí T., xã Cán Tỷ (Quản Bạ) chăm sóc bố tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Trung bình một ngày, Khoa Tâm thần tiếp nhận từ 20 – 25 lượt bệnh nhân đến thăm khám, điều trị; cá biệt, có ngày số bệnh nhân lên đến 40 người. Họ là những người có biểu hiện của rối loạn tâm thần ở các thể: Loạn thần cấp tính, tâm thần mãn tính, động kinh tâm thần, rối loạn lo âu, trầm cảm, sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ hoặc các bệnh do nghiện chất như rượu, ma túy… gây ra. Trong đó, các bệnh tâm thần do rượu gây ra chiếm đến 40% và rối loạn cảm xúc chiếm 20%. Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Bá Giang, Trưởng khoa Tâm thần chia sẻ: Đa phần người bệnh đến Khoa đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí chưa cao. Khi người bệnh được quản lý tại cộng đồng, nếu không tuân thủ nghiêm lịch uống thuốc điều trị theo quy định và thực hiện các liệu pháp khác như tâm lý, lao động hướng nghiệp… thì bệnh rất dễ tái phát. Điều này dễ dẫn đến khánh kiệt về kinh tế, gây tâm lý căng thẳng cho người thân. Nguy hại hơn, khi khoảng vô thức lớn hơn ý thức, người bệnh dễ có hành vi sát hại người xung quanh, thậm chí sát hại dã man cả người có cùng huyết thống. Điều này đã từng xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, để lại hậu quả nặng nề.

Lặng lẽ chăm sóc con trai Mùng A C đang điều trị tại Khoa Tâm thần, ông Mùng A H, người dân tộc Giấy, ở xã Đông Minh (Yên Minh) buồn rầu cho biết: Con trai ông vốn khỏe mạnh nhưng hơn 1 năm trở lại đây thường xuyên nói lảm nhảm. Gia đình tưởng C bị “con ma rừng” nhập nên đã mời thầy đến cúng. Gia sản có bao nhiêu tiền bạc, trâu, bò, lợn, gà ông H đều bán lấy tiền hoặc làm lễ nhờ thầy đến cúng, giải hạn cho con trai. Tiền bạc, vật chất cứ thế “đội nón” ra đi mà bệnh của C không hề thuyên giảm. Đến khi có cán bộ xã khuyên ông đưa con đến cơ sở y tế khám bệnh, ông C mới thôi mời thầy cúng. “Xuống bệnh viện, nghe bác sĩ nói con trai tôi có biểu hiện của bệnh tâm thần. Nhưng nếu được chăm sóc, điều trị tốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì bệnh tình sẽ được cải thiện. Tôi cũng mừng lắm!”, ông Mùng A H xúc động nói…

Chung hoàn cảnh chăm sóc người thân như ông Mùng A H., anh Thào Mí T, người dân tộc Mông, ở xã Cán Tỷ (Quản Bạ) phải tạm gác công việc gia đình, mùa vụ để đưa bố là ông Thào Mí P xuống điều trị tại Khoa Tâm thần. Chia sẻ về hoàn cảnh dẫn tới cơ sự hôm nay, anh T cho biết: Bố anh thường xuyên uống rượu, thậm chí ngày nào trong tuần cũng có thể uống rượu. Uống đến nỗi ngất lịm đi, buộc phải đến bệnh viện. Sau nhiều ngày điều trị chứng loạn thần do rượu, sức khỏe ông P dần bình phục. Khi ấy, anh T nhẹ nhàng nói cho bố biết những điều bác sĩ căn dặn: Nếu không có lối sống lành mạnh, thường xuyên lạm dụng rượu thì bệnh sẽ trở nên trầm trọng, không chỉ gây suy giảm về sức khỏe, trí tuệ mà còn có thể làm hại những người xung quanh.

Chia sẻ thêm về thực tế trên, Bác sỹ Nguyễn Đức Thành (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.056 người bị bệnh tâm thần, sinh sống tại 165/195 xã, phường, thị trấn của 11/11 huyện, thành phố. Sau khi bệnh nhân tâm thần được điều trị nội trú, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiến hành lập hồ sơ bệnh án chuyển về cộng đồng. Tại đây, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc để ổn định bệnh và sống hòa nhập cộng đồng. Song, để quản lý, điều trị bệnh tâm thần một cách hiệu quả cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn thể xã hội, nhất là việc giúp người bệnh biết kiểm soát hành vi, tránh những hành động đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gặp mặt giao lưu giữa Tỉnh đoàn Hà Giang và Thành đoàn, Hội sinh viên TP. Cần Thơ

BHG - Ngày 14.12, tại Hà Giang, Tỉnh đoàn Hà Giang và Thành đoàn, Hội sinh viên thành phố Cần Thơ đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo, các ban chuyên môn, bộ phận trực thuộc Tỉnh đoàn Hà Giang, cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đoàn, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội sinh viên các trường chuyên nghiệp thành phố Cần Thơ. Trong chuyến thăm và giao lưu tại tỉnh Hà Giang, đoàn Hội sinh viên thành phố Cần Thơ...

17/12/2018
Đoàn từ thiện Chùa Vẽ (Hải Phòng) bàn giao nhà ở cho các hộ nghèo xã Pải Lủng (Mèo Vạc).

BHG - Trong 2 ngày 14 – 15. 12, Đoàn từ thiện Chùa Vẽ (Hải Phòng) do Ni sư Thích Tâm Chính, Trụ chì làm Trưởng đoàn phối hợp với Báo Hà Giang thực hiện bàn giao nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã Pải Lủng. Cùng đi có lãnh đạo huyện Mèo Vạc; các tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm.

17/12/2018
Truyền thông các hoạt động thuộc chương trình y tế, dân số KHHGĐ và sức khỏe sinh sản

BHG - Với mục tiêu từng bước nâng cao nhận thức cho người dân về công tác y tế, Sức khỏe sinh sản và Dân số/KHHGĐ, trong tháng 11 - 12.2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về những kiến thức trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản; tầm quan trọng của công tác dân số; lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ,... tại cộng đồng, đồng thời cấp phát đĩa tuyên truyền cho 195 xã, phường, thị trấn.

17/12/2018
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh ung thư

BHG - Hiện nay, bệnh ung thư ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại của nhiều người. Theo đánh giá của Hội Phòng, chống Ung thư Việt Nam, trên 80% người bệnh đến khám và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là do chưa hiểu biết đúng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư. Do đó, công tác truyền thông, giáo dục cho người dân nhằm nâng cao nhận thức để thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe, phát hiện sớm và điều trị tích cực là một trong những hoạt động quan trọng cần được các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng quan tâm.

17/12/2018