Đột phá trong quản lý dược
BHG - Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc, Sở Y tế Hà Giang đang triển khai Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”.
Cán bộ Viettel Hà Giang hướng dẫn nhân viên quầy thuốc sử dụng phần mềm quản lý dược. |
Triển khai Đề án, Sở Y tế đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trước khi có can thiệp. Trong đó, sử dụng bộ công cụ khảo sát, kiểm tra về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn do Bộ Y tế xây dựng như: Khảo sát nhận thức của người kê đơn về các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc; khảo sát nhận thức của người bán lẻ thuốc về quy định của pháp luật về bán thuốc kê đơn; khảo sát nhận thức của người mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ ngoài khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và người dân về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, trọng tâm là kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh. Tuyên truyền cho cộng đồng về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, hậu quả của kháng kháng sinh và các lợi ích mang lại khi khám bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời tiến hành tập huấn cho người kê đơn các văn bản quy phạm pháp luật về kê đơn thuốc; cập nhật hướng dẫn sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh. Tập huấn cho người bán lẻ thuốc các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến việc bán thuốc kê đơn. Triển khai mô hình bác sỹ gia đình lồng ghép với hoạt động khám, chữa bệnh của phòng khám và các trạm y tế để tạo thuận lợi cho người dân khám bệnh và được kê đơn trong các trường hợp mắc các bệnh nhẹ và bệnh mãn tính.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công Đề án là ứng dụng CNTT trong trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn; Sở Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý nhà thuốc trên địa bàn để triển khai kết nối liên thông hiện đang thực hiện thí điểm 10 nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn thành phố với cơ quan quản lý… Đại diện đơn vị cung cấp phần mềm và hướng dẫn sử dụng Viettel Hà Giang cho biết: Với việc triển khai phần mềm quản lý nhà thuốc sẽ tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý bán hàng, kho, hóa đơn điện tử, đảm bảo liên thông những dữ liệu được yêu cầu lên hệ thống dược Quốc gia; quản lý được chuỗi nhà thuốc; quản lý triệt để hoạt động của nhân viên, tránh thất thoát hàng hóa; giảm thời gian, chi phí. Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối; kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào một số nhà cung cấp; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường, đảm bảo công tác thu hồi thuốc đúng đủ theo quy định. Đối với người dân: Truy xuất được nguồn gốc thuốc, tránh sử dụng thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc hết hạn sử dụng và nhận cảnh báo hoặc báo cáo cơ quan chức năng ngay khi nghi ngờ thuốc giả, thuốc kém chất lượng…
Đồng chí Hoàng Thị Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Là đơn vị thường trực, giúp UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện triển khai Đề án, ngành Y tế đã và sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề y - dược; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trong điều trị ngoại trú. Thực hiện khảo sát nhận thức, kiểm tra, đánh giá về hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, tổ chức tập huấn, đào tạo về chuyên môn cho các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở bán lẻ thuốc. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn.
Với với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh và các sở, ngành, đặc biệt là Sở Y tế, mục tiêu đến năm 2020, các cơ sở khám, chữa bệnh kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân đạt 100%; 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác. Kê đơn thuốc kháng sinh tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở y tế khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân; 70% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác. 100% bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc tại nhà thuốc/quầy thuốc. 100% cơ sở bán lẻ thuốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, nhà thuốc và cơ quan quản lý sẽ hoàn thành.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc