Xã hội hóa đưa điện lưới về Đông Minh

08:13, 12/09/2018

BHG - Trong thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở (xã, thôn), ngoài sự lãnh, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả đạt được cao hay thấp phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của công tác dân vận. “Dân vận khéo”, cán bộ tận tâm, trách nhiệm, người dân hưởng ứng thực hiện, hiệu quả chắc chắn đạt cao. Điều đó được minh chứng trong phong trào xã hội hóa đầu tư kéo điện hơn 10 năm qua ở xã Đông Minh (Yên Minh).

Xã Đông Minh có 15 thôn, bản, nhưng hiện xã đã có 14/15 thôn có đường điện đến trung tâm với tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt trên 93%. Đặc biệt, 9/14 thôn có đường điện kéo đến trung tâm được đầu tư từ nguồn xã hội hóa của người dân. Thống kê của xã Đông Minh, từ năm 2003 đến nay, nhân dân 9 thôn trên địa bàn xã đóng góp kinh phí kéo đường điện về sử dụng với trên 800 triệu đồng; đặc biệt, có 3 thôn đóng góp 2 lần tiền kéo đường điện.

Có điện, người dân thôn Bản Uốc mua sắm được nhiều loại máy nông cụ, giảm sức lao động. Trong ảnh: Người dân sử dụng máy thái cỏ.
Có điện, người dân thôn Bản Uốc mua sắm được nhiều loại máy nông cụ, giảm sức lao động. Trong ảnh: Người dân sử dụng máy thái cỏ.

Chúng tôi đến thôn Bản Uốc, thôn đi đầu phong trào xã hội hóa kéo điện về làng trong hơn 10 năm qua ở Đông Minh. Người dân Bản Uốc đã 2 lần đóng góp kinh phí để kéo điện, với trên 200 triệu đồng. Cô Nguyễn Thị Rụm, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Năm 2003, người dân trong thôn thấy một số thôn ở trung tâm xã và giáp ranh thị trấn Yên Minh có điện sử dụng, trong khi thôn chưa được đầu tư đường điện, 100% số hộ đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Nhưng mong muốn của bà con có điện để thắp sáng, tiếp cận thông tin phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không biết khi nào Nhà nước mới đầu tư đường điện cho thôn, vì vậy các hộ dân thống nhất tự đóng góp kinh phí để kéo điện. Thời điểm đó, thôn có 26 hộ dân, mỗi hộ trong thôn đóng từ 1,5 - 2 triệu đồng/hộ (tùy khoảng cách đường dây đến các hộ).

Có điện, người dân thôn Bản Uốc mạnh dạn mua máy thái cỏ, thái rau, giúp giảm sức lao động, phục vụ chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế; mua sắm các đồ dùng gia đình như quạt, ti-vi… đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống. Theo cô Rụm, hiện nay, thôn Bản Uốc có 31 hộ, nhưng có tới 17 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 50%. Thế nhưng, 90% số hộ trong thôn đã có ti-vi, 100% các hộ có quạt điện, máy thái rau; 6 hộ có tủ lạnh, 2 hộ có máy xát gạo… đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Từ khi có điện 3 pha, gia đình chị Hoàng Thị Phe mạnh dạn đầu tư máy xát gạo phục vụ bà con trong thôn và có thêm thu nhập.         Ảnh: DUY TUẤN
Từ khi có điện 3 pha, gia đình chị Hoàng Thị Phe mạnh dạn đầu tư máy xát gạo phục vụ bà con trong thôn và có thêm thu nhập. Ảnh: DUY TUẤN

Sau 14 năm, đường dây điện kéo về thôn Bản Uốc đã bị đứt, nối, không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa; hao tổn điện năng lớn, người dân trong thôn thường phải trả giá điện cao, trên 4.000 đồng/số. Chính vì vậy, cuối năm 2017, người dân thôn Bản Uốc đã họp bàn và thống nhất tiếp tục đóng góp kinh phí lần 2 để kéo đường dây điện mới. Lần này, trung bình các hộ trong thôn đóng góp trên 4 triệu đồng, thậm chí có hộ phải đóng gần 10 triệu đồng, do nhà ở cuối thôn. Đây là số tiền không nhỏ đối với các hộ dân trong thôn, nhất là những hộ nghèo. Nhưng bù lại, đường dây điện về trung tâm thôn Bản Uốc được nâng từ 2 pha lên 3 pha, đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng điện từ sinh hoạt cho đến kinh doanh của các gia đình. Có đường dây đảm bảo, giá điện cũng giảm xuống còn trên 2.000 đồng/số điện.

Chị Hoàng Thị Phe cho biết: Từ khi có điện đến nay, con tôi không phải dùng đèn dầu để học mỗi tối. Đến khi kéo đường điện 3 pha về thôn, gia đình tôi đã đầu tư bộ máy xát gạo phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn và thêm thu nhập cho gia đình.

Đông Minh hiện vẫn là một trong những xã nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 61,1% và hiện còn gần 43%. Vậy làm thế nào để Đông Minh huy động nguồn lực của nhân dân kéo điện về thôn trong hơn 10 năm qua? Đồng chí Nông Ngọc Páo, Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng khối Dân vận xã chia sẻ: Thời điểm khởi đầu phong trào, nhân dân tự đóng góp kéo điện về sử dụng, trên địa bàn xã chỉ có 2 thôn được Nhà nước đầu tư kéo điện. Các thôn thấy những khu vực có điện người dân được xem ti-vi, được sử dụng các loại máy cơ giới, đời sống tốt hơn.  Tuy nhiên, xã xác định, Chờ nhà nước đầu tư không biết khi nào người dân mới có điện sử dụng, nên cấp ủy, chính quyền xã đã bàn, phối hợp với Điện lực Yên Minh tính toán sơ bộ kinh phí kéo điện của một số thôn, sau đó tuyên truyền đến nhân dân lợi ích khi có điện sử dụng và vận động người dân tự đóng góp tiền để kéo đường điện.

Được biết, ngay trong năm 2003, năm đầu tiên người dân Đông Minh đóng góp tiền kéo đường điện, đã có 4 thôn hưởng ứng theo. Tiếp tục thực hiện phong trào này, các Tổ Dân vận thôn, bản ở Đông Minh đã tuyên truyền, vận động nhân dân học tập các thôn khác, đặc biệt tập trung vào các lợi ích cụ thể khi có điện. Đến nay có tới 9 thôn của xã người dân tự kéo điện.

Nói về công tác xã hội hóa kéo điện ở Đông Minh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Minh Hà Thị Kim Phượng khẳng định: “Đây là địa phương điển hình về thực hiện phong trào “Dân vận khéo” của huyện trong những năm qua”. Hiện, Đông Minh đang phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% các thôn của xã sẽ có điện sử dụng, dù có gặp nhiều khó khăn và chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn xã sẽ nỗ lực đạt mục tiêu này.

Bài, ảnh: DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy vai trò người đứng đầu

BHG - Đó là anh Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh. Năm 2014, về nhận công tác tại trường (khi đó là Trường Cao đẳng Nghề), anh đã cùng tập thể Ban Giám hiệu chỉ đạo, điều hành các hoạt động của trường; đồng thời tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trên các lĩnh vực công tác; phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

12/09/2018
Sôi nổi các phong trào thi đua chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

BHG - Để thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn (CĐ) Việt Nam lần thứ XII, ngay từ đầu năm, BTV LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp CĐ phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức - lao động (CNVCLĐ). Nổi bật là phong trào "Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo" với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; thi đua không ngừng học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH đất nước...

12/09/2018
Công đoàn thị trấn Việt Quang đẩy mạnh phong trào "Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá"

BHG - Trong những năm qua, phong trào xây dựng cơ quan đạt chuẩn văn hoá luôn được cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) quan tâm chỉ đạo triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đó là: 100% cán bộ, CNVCLĐ đều có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, được đào tạo cơ bản, luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, cán bộ bán chuyên trách của thị trấn luôn bám sát cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,…

12/09/2018
Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì)

BHG - Ngày 8.9, Đoàn Y, Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gồm 38 cán bộ, do đồng chí Hoàng Tiến Việt, Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng đoàn đã tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì). Cùng đi có đại diện các đơn vị tài trợ kinh phí gồm: Công ty Cổ phần Văn hóa Điện ảnh - Điện tử  Hà Giang; Công ty TNHH Thành Công; Công ty TM và XNK Đông Đô; Công ty Bình Minh.

11/09/2018