Vinh dự cao quý, trách nhiệm lớn lao
BHG - Cách đây 73 năm, ngày 10.9.1945, chỉ 8 ngày sau khi đất nước giành độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập “Sở Thuế quan và Thuế gián thu” - tổ chức tiền thân của Hải quan Việt Nam. Sau nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức, bộ máy phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, Tổng cục Hải quan Việt Nam trở thành cánh tay nối dài và nhân rộng sức mạnh của nền Tài chính cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển KT-XH của đất nước.
Trải qua các giai đoạn phát triển, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Hải quan Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền và phát triển kinh tế của đất nước.
Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Tiến Chiến |
Những năm gần đây, bám sát chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, tăng cường kinh tế đối ngoại, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai linh hoạt, kịp thời nhiều giải pháp và đạt được thành tích nổi bật: Triển khai thành công thủ tục hải quan điện tử và hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về kỹ thuật quản lý hải quan tiên tiến. Hiện nay, hệ thống VNACCS/VCIS đã hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất, nhập khẩu (XNK); nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện đại hóa toàn bộ hoạt động hải quan, góp phần đưa nền kinh tế đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả nhiều giải pháp hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước.
Cùng với sự phát triển của lực lượng Hải quan Việt nam, Hải quan Hà Giang có những bước trưởng thành vượt bậc, rất đáng trân trọng và tự hào. Từ chỗ các cửa khẩu biên giới chưa được khai thông, đến nay đã có 4 cửa khẩu hoạt động, trong đó có 1 cửa khẩu Quốc tế, 1 cửa khẩu song phương, 2 cửa khẩu phụ, 1 Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu và nhiều lối mở trên tuyến biên giới, đáp ứng tốt yêu cầu trao đổi, giao lưu thương mại giữa nhân dân và thương nhân 2 nước trên tuyến biên giới Việt – Trung. Những ngày đầu tái thành lập, công tác quản lý nhà nước về Hải quan gặp không ít khó khăn, nhưng nay từng bước đi vào ổn định, quản lý theo đúng quy định; tập trung thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu hàng cấm qua biên giới, thu thuế XNK tiểu ngạch và các khoản thu khác nộp ngân sách nhà nước. Công tác quản lý hải quan có bước phát triển mới theo hướng chính quy, hiện đại, thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình thủ tục hải quan; mọi vướng mắc phát sinh đều được giải quyết kịp thời.
Những năm gần đây, Cục Hải quan Hà Giang đã thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công truyền thống sang hiện đại hóa dựa trên hệ thống thông quan tự động; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; chuyển từ quản lý hàng hóa sang quản lý doanh nghiệp. Với phương châm “Thuận lợi, tận tụy, chính xác” gắn với thực hiện Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, Cục Hải quan đã thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ và giải quyết thủ tục hải quan cho hàng hóa XNK, phương tiện vận tải, hành khách xuất, nhập cảnh (XNC) qua cửa khẩu kịp thời, thuận lợi, thu hút hoạt động XNK, XNC, du lịch và kinh tế biên mậu, được cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao. Nếu như trước đây, trị giá hàng hóa XNK qua các cửa khẩu của tỉnh chỉ đạt vài chục triệu đồng mỗi năm, vài năm trở lại đây đã tăng lên vài trăm triệu USD, năm 2017 đạt 4 tỷ USD.
Ngoài ra, Hải quan Hà Giang còn làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, phòng, chống ma tuý; lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý, vũ khí, vật liệu nổ qua các cửa khẩu. Sự có mặt của lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu đã kịp thời ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhận thức về yêu cầu nhiệm vụ cải cách, phát triển, hiện đại hóa Hải quan, vấn đề cốt lõi quyết định sự thành bại trước tiên là yếu tố con người nên những năm qua Hải quan Hà Giang đã tập trung xây dựng lực lượng trên các lĩnh vực: Ổn định, phát triển tổ chức bộ máy; xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, chuyên nghiệp. Cục đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có kỹ năng làm việc, có trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nguồn cán bộ, công chức ngày đầu tái lập chủ yếu tiếp nhận từ bộ đội Biên phòng, quân đội chuyển đến, kinh nghiệm công tác còn nhiều hạn chế; từ chỗ chỉ có 4 cán bộ, công chức ngày mới tái lập, đến nay đã có 139 người công tác tại các cửa khẩu và phòng chuyên môn thuộc Cục. Không những tăng nhanh về số lượng, chất lượng cán bộ cũng được nâng lên, đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Hiện nay, Cục Hải quan có 10 cán bộ trình độ Thạc sỹ, 86 đồng chí có trình độ Đại học... các tổ chức Đảng, đoàn thể được thành lập, hoạt động hiệu quả.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiệm vụ của Hải quan ngày càng nặng nề, phức tạp, đang và sẽ đặt ra những thách thức mới. Thực tế đó đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức Hải quan không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, rèn luyện phẩm chất đạo đức để có thể tiếp cận, làm chủ kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại, thực hiện thắng lợi “kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2016 - 2000” và “chiến lược phát triển ngành Hải quan đến 2020”. Tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, được sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của nhân dân, Hải quan Hà Giang sẽ tận dụng được thời cơ, vượt qua thử thách, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu và hiện đại; hoạt động minh bạch, liêm chính, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
LƯƠNG DUYÊN
Ý kiến bạn đọc