Non sông liền một dải! – Kỳ cuối: Miền đá hướng về biển, đảo thân yêu!
BHG - Mặc dù thoát khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước, điều kiện KT – XH cũng thuộc diện khó khăn nhất nước; Nhưng những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới những vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Cùng cả nước xây Trường Sa vững mạnh. Trong ảnh: Lễ trao đá (biểu tượng Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang) cho cán bộ, chiến sỹ Trường Sa, tháng 5.2012. Ảnh: TƯ LIỆU |
Có nhà thơ đã viết: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt”, hai tiếng Tổ quốc khi cất lên trong tim mỗi người dân Việt Nam thật thiêng liêng và có sức mạnh lạ thường! Khi Tổ quốc bị xâm lăng, sức mạnh ấy đã giúp dân tộc ta chiến đấu kiên cường, bất khuất và chiến thắng mọi kẻ thù. Một đất nước, một dân tộc nhỏ bé đã phải gánh chịu quá nhiều đau thương do chiến tranh để lại; máu của thế hệ cha ông đã từng nhuộm đỏ mỗi tấc đất biên cương, mỗi tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc. Để ngày hôm nay, từ nơi đảo xa mênh mông sóng đến dải biên cương cực Bắc của quê hương, triệu trái tim vẫn chung một nhịp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới đất liền, hải đảo và dựng xây đất nước giàu đẹp…
Mặc dù thoát khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước, điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta vẫn luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới những vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trong chuyến thăm và động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc năm 2012, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta trao tặng quân, dân Trường Sa 787 triệu đồng. Với một tỉnh miền núi, biên giới, cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, vất vả thì đó là một số tiền không hề nhỏ; nó chứa đựng biết bao tình cảm, tấm lòng của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Hà Giang hướng về Trường Sa thân yêu. Ngoài Đoàn công tác số 14 của tỉnh vào năm 2012, đã có thêm nhiều chuyến thăm của các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Giang đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa. Mỗi chuyến đi mang theo cả tấm lòng yêu thương, chia sẻ của đồng bào Hà Giang với biển, đảo quê hương.
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức các triển lãm, trưng bày giúp nhân dân hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như: Triển lãm “Biển đảo thân yêu của Tổ quốc” tại huyện Đồng Văn vào tháng 5.2016; “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại huyện Bắc Quang vào tháng 9.2017; “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” tại huyện Vị Xuyên, tháng 11.2017... Các cuộc triển lãm đã trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; những hình ảnh về cuộc sống, luyện tập, chiến đấu của quân và dân huyện đảo Trường Sa… Thông qua các cuộc triển lãm đã giúp nhân dân Hà Giang hiểu rõ hơn về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, từ đó thêm tin tưởng, yêu mến và chia sẻ với cuộc sống còn nhiều gian khổ của quân và dân trên các vùng biển, đảo quê hương.
Không chỉ tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, tỉnh ta còn chỉ đạo ngành Giáo dục tăng cường lồng ghép nội dung về chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong chương trình giảng dạy ở các cấp học. Tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức như: Tổ chức các hội thi văn nghệ, thi vẽ tranh với chủ đề biển đảo, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về biển, đảo theo hình thức viết, thi kể chuyện, hùng biện… để giáo dục học sinh nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo và nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo Việt Nam. Từ đó, giúp các em có động cơ học tập tốt và có suy nghĩ, hành động đúng đắn để góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Ngoài ra, các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo quê hương tới các tầng lớp nhân dân và ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân trong việc chung tay giữ vững biên giới đất liền, hải đảo của đất nước.
Là tỉnh miền núi, địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, trên bản đồ địa giới hành chính không có đường biển. Thế nhưng, cũng giống như tình yêu với từng tấc đất biên cương, từng cột mốc biên giới, tình yêu với biển, đảo quê hương, với lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc luôn khắc sâu trong trái tim mỗi người dân miền đá. Dù khoảng cách địa lý lên đến hàng nghìn cây số, đồng bào Hà Giang vẫn ngày đêm bằng những hành động thiết thực hướng về Trường Sa, Hoàng Sa. Bởi, non sông, gấm vóc Việt Nam ta từ bao đời nay vẫn luôn liền một dải, dù vùng trời, vùng biển hay mỗi tấc đất biên cương đều không thể tách rời!
Nguyễn Phương
[links()]
Ý kiến bạn đọc