Vơi bớt nỗi lo mùa mưa lũ nơi vùng đá
BHG - Mỗi khi đến mùa mưa lũ, huyện Mèo Vạc lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai. Năm nay, địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Nhân dân thị trấn Mèo Vạc giúp nhau gia cố lại mái nhà, nhằm giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra. |
Nhiều năm nay, Mèo Vạc phải hứng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu. Khí hậu trên địa bàn huyện ngày càng phân định rõ hai mùa mưa và mùa khô. Trong khi mùa khô thiếu nước dài ngày thì mùa mưa lại ẩn chứa nhiều nỗi lo lũ quét, lốc xoáy và sạt lở đất, đá, gây tổn thất về tài sản, tính mạng của người dân.
Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT Mèo Vạc cho biết: Với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH) huyện, Phòng đã thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Để tạo sự chủ động trong nhân dân, BCH huyện đã kiện toàn và ban hành văn bản chỉ đạo tới các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị ngay từ đầu mùa mưa. Đặc biệt, huyện đã chủ động xây dựng phương án quy tụ các hộ sống rải rác ở sườn núi cao, vùng thiên tai đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ. Đến nay, có 44 hộ thực hiện; trong đó, vùng thiên tai 24 hộ, vùng đặc biệt khó khăn 6 hộ, vùng biên giới 14 hộ. Sau quá trình rà soát, huyện tiến hành xen ghép 35 hộ và ổn định tại chỗ 9 hộ trên địa bàn các xã Thượng Phùng, Sơn Vĩ, Pả Vi, Tát Ngà, Sủng Trà, Khâu Vai, Lũng Chinh, Nậm Ban, Giàng Chu Phìn.
Nhằm giúp nhân dân yên tâm lao động, sản xuất; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động tổ chức, triển khai phương án ứng phó với thiên tai; bố trí lực lượng dân quân tự vệ, các thành viên phụ trách địa bàn, nhất là các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao; chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiên tai, khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng, đảm bảo thông tin kịp thời tình hình mưa, lũ cũng như thiệt hại. Chủ tịch UBND thị trấn Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường cho biết: Mỗi khi bước vào mùa mưa, thị trấn là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, ngay từ đầu mùa mưa, thị trấn đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động chằng néo nhà cửa; thay thế các tấm lợp hư hỏng...
Theo BCH huyện Mèo Vạc, phương án phòng, chống thiên tai và tiềm kiếm cứu nạn được huyện triển khai đồng bộ, nhưng một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa kịp thời, công tác tuyên truyền còn hạn chế… Hiện nay huyện đang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chuẩn bị mọi điều kiện, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; chủ động phòng, chống, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; trong đó, lấy phòng là chính, đảm bảo tuyệt đối về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai đang giúp người dân Mèo Vạc bớt đi nỗi lo mùa mưa lũ về.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc