Tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo
BHG - Những năm qua, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể; tỉnh ta đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo; đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật.
Chức sắc chùa Quan âm (thành phố Hà Giang) dặn dò các phật tử luôn sống "tốt đời, đẹp đạo". |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tôn giáo với trên 25 nghìn tín đồ đăng ký sinh hoạt ở 11 huyện, thành phố. Trong đó, Giáo hội Phật giáo tỉnh có 23 hội đoàn đăng ký sinh hoạt; đạo Công giáo có 2 giáo xứ Tân Quang (Bắc Quang) và Thánh Tâm (thành phố Hà Giang); đạo Tin lành có 157 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo.
Tình hình hoạt động của các tôn giáo cơ bản ổn định, không xẩy ra vụ việc phức tạp. Các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác tôn giáo; tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian và triển khai thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc; phát huy tính tích cực của tôn giáo. Các kiến nghị, đề nghị của tổ chức tôn giáo luôn được các cấp chính quyền quan tâm, xem xét, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật. Đến nay, đã thành lập được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hà Giang và tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2022; cấp Giấy chứng nhận sinh hoạt tập trung theo quy định của pháp luật cho 65 điểm nhóm của đạo Tin lành; các điểm, nhóm tôn giáo tổ chức các lễ trọng theo truyền thống như Lễ Phật Đản, cầu siêu của đạo Phật; Lễ Phục sinh của đạo Công giáo và Tin lành. Hàng năm, lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan đều đến thăm hỏi, chúc mừng, động viên các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo trong dịp lễ trọng; thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các chức sắc, tín đồ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các giáo hội, tín đồ tôn giáo trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các tôn giáo được thực hiện thường xuyên; kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện tín ngưỡng tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Các vị chức sắc, bà con tín đồ các tôn giáo luôn thể hiện đời sống và đức tin một cách chính đáng, với phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo", gắn bó đồng hành cùng dân tộc, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xoá đói, giảm nghèo và hưởng ứng phong trào thi đua do các cấp chính quyền tổ chức.
Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt; ngay từ khi ra đời, các tôn giáo đều chứa đựng mục đích tốt đẹp, mang lại sự công bằng, bác ái, hướng thiện cho con người; góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay có một số đối tượng đang lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình". Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện các nhóm tự xưng người của "Hội thánh của Đức chúa trời mẹ" lợi dụng tự do tín ngưỡng, lôi kéo nhiều người tham gia hoạt động mê tín dị đoan, đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục của dân tộc... Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền người dân không đi theo các hiện tượng tôn giáo mới chưa được thừa nhận; tăng cường giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; hưởng ứng các phong trào thi đua, tích cực lao động sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc