Tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
BHG - Những năm gần đây, tỉnh ta luôn là điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước; hàng năm có hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch. Chính vì vậy, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm nâng cao vai trò trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định bảo đảm VSATTP, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
Phát động “Tháng hành động” Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2018 tại huyện Bắc Mê. |
Theo số liệu thống kê của Chi cục VSATTP, các loại hình kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 6.151 cơ sở sản xuất, kinh doanh, gồm: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao, gói sẵn; nhà hàng ăn uống, dịch vụ ăn uống; bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. Trong đó, Chi cục VSATTP tỉnh quản lý 268 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua tìm hiểu, hiện số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, vệ sinh thực phẩm học đường đã được cải thiện rõ rệt. Điều kiện vệ sinh tại nhiều cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, sản xuất thực phẩm truyền thống đã được đảm bảo. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP và tỷ lệ hàng hóa nông sản được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đã tăng qua từng năm. Hàng năm, Chi cục VSATTP tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố mở các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP và khám sức khỏe định kỳ theo quy định cho chủ cơ sở và nhân viên chế biến thực phẩm.
Để tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác đảm bảo VSATTP, Chi cục VSATTP tỉnh đã phát động “Tháng hành động” năm 2018, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện có trách nhiệm. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về VSATTP. Mặt khác, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, triển khai, ban hành các văn bản, kế hoạch đảm bảo công tác VSATTP. Qua công tác kiểm tra, 8/11 huyện, thành phố đều triển khai và tổ chức “Lễ phát động tháng hành động vì ATTP” năm 2018. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 51 cơ sở, trong đó, có 34 cơ sở sản xuất; kinh doanh thực phẩm 9 cơ sở; sơ chế, chế biến 8 cơ sở. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về VSATTP.
Trao đổi với phóng viên, ông Lục Tiến Vọt, Phó Chi cục trưởng, Chi cục VSATTP tỉnh cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, công tác truyền thông về VSATTP đã được tăng cường. Đồng thời việc đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thường xuyên, trực tiếp tại các huyện, thành phố; đặc biệt là 4 huyện vùng Cao nguyên đá…, đã không để xảy ra các vụ việc lớn về ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số vụ ngộ độc xảy ra, thường là do người dân ăn bánh ngô mốc hoặc là xuất hiện ở các bữa ăn đông người trong đồng bào, như: Đám hiếu, hỏi, cưới, tân gia tại hộ gia đình; nguyên nhân chủ yếu là người dân tự chế biến gây ngộ độc bằng những độc tố tự nhiên, chủ yếu là rau, củ, quả rừng, nấm độc...”.
Có thể nói, do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nên công tác bảo đảm VSATTP đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh, công tác thanh, kiểm tra, giám sát được tăng cường và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn đã góp phần củng cố niềm tin đối với người dân địa phương cũng như đối với du khách trong và ngoài nước khi lên thăm Hà Giang.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc