Phát huy vai trò đội ngũ hướng dẫn viên cơ sở phòng, chống đuối nước trẻ em
BHG - Phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em, đặc biệt là đuối nước đã trở thành vấn đề cấp thiết của xã hội. Từ nhiều vụ việc thương tâm xảy ra trên cả nước và tại tỉnh ta thời gian qua là hồi chuông cảnh tỉnh trong cộng đồng. Do đó, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự quan tâm đúng mức của toàn xã hội trong việc bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn (TNĐN là việc làm cần thiết. Trong đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) cơ sở về phòng, chống TNĐN sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Các hướng dẫn viên của Trung tâm VH,TT&DL huyện Yên Minh mở lớp dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn. |
Tỉnh ta có hệ thống sông, suối đa dạng nên luôn tiềm ẩn những mối nguy hại về TNĐN đối với trẻ em. Gần đây, vào đầu tháng 5.2018, trên sông Miện (thành phố Hà Giang), một học sinh lớp 5 cùng bạn tắm sông đã bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong. Tại địa bàn các huyện, hàng năm đều xảy ra TNĐN. Có thể nói, trong công tác phòng, chống TNĐN; trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều gia chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc chăm sóc, cảnh báo con cái khỏi những TNTT. Mặc dù, đây chính là môi trường tốt để trẻ đón nhận những kiến thức, định hướng về các kỹ năng an toàn để tự bảo vệ bản thân.
Với sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, các ngành trong việc phòng, chống TNTT trẻ em trong thời gian qua đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, mỗi địa phương đã xây dựng được đội ngũ HDV cơ sở nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm trong phòng, chống TNTT tại cộng đồng. Các HDV cơ sở là các cán bộ làm công tác đoàn, cán bộ, công chức, viên chức ngành Văn hóa, huấn luyện viên, giáo viên thể dục, thể thao trường học… Hiện 11 huyện, thành phố đã xây dựng được hệ thống với hơn 200 HDV. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra nhiều phong trào, hoạt động lành mạnh cho trẻ em ở từng địa phương. Các sở, ngành liên quan thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ này về phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là về chương trình bơi an toàn và phòng, chống TNĐN.
Các HDV cơ sở đã tổ chức được hiều hoạt động hữu ích cho trẻ em, nhất là vào dịp Hè. Cùng với việc nâng cao hoạt động của các Nhà thiếu nhi, sự quan tâm nâng cấp, đầu tư về cơ sở vật chất sẽ giúp cho các HDV cơ sở phát huy được hiệu quả. Theo ghi nhận, tại huyện vùng cao biên giới Yên Minh, sau khi xây dựng được bể bơi rộng 375m2 và đi vào hoạt động dịp Hè 2018, đội ngũ HDV tại địa phương đã có thể mở các lớp dạy bơi, đã thu hút nhiều phụ huynh đăng ký cho con em theo học.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Trung tâm VH,TT&DL huyện Yên Minh, một HDV cơ sở đã phối hợp với huấn luyện viên của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh mở lớp dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn. Đến thời điểm này, lớp dậy bơi của anh đã có trên 20 cháu đăng ký học; độ tuổi từ 8-12. Các lớp được chia ra học ở các khung giờ khác nhau và đảm bảo trẻ sẽ biết bơi, cũng như các kỹ năng thoát hiểm, cứu đuối sau khi hoàn thành khóa học. Cùng với đó, nhiều bể bơi thông minh được lắp ráp tại các địa phương, như: Bắc Quang, Vị Xuyên, T.P Hà Giang…, đã và đang tạo điều kiện cho nhiều HDV tổ chức các lớp dạy, đào tạo bơi lội.
Đối với những HDV cơ sở công tác trong ngành Giáo dục, đây chính là những hạt nhân góp phần nâng cao hoạt động thể chất, TDTT trong nhà trường. Đồng thời, căn cứ theo tình hình thực tế của đơn vị để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo nhiều giải pháp nhằm phòng, chống TNTT cho học sinh. Đặc biệt, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh về phòng, chống đuối nước để trở thành một kỹ năng sống cơ bản. Từ đó, triển khai nhiều mô hình an toàn tại nhà trường.
Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh vùng cao, đội ngũ HDV cơ sở đang gặp không ít khó khăn. Theo ông Hoàng Phi Hùng, Trưởng phòng Quản lý Thể dục, thể thao, Sở VH,TT&DL cho biết: Những hạn chế về địa lý, kinh tế, cơ sở vật chất, thiếu sân chơi, bãi tập dẫn đến tình trạng các HDV cơ sở khó phát huy được hiệu quả. Trẻ em vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với các hoạt động lành mạnh, an toàn do gia đình không có điều kiện. Trẻ em ở các khu vực trung tâm thường tham gia các hoạt động công nghệ nhiều hơn là việc tự rèn luyện, nâng cao thể chất…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc