Ai "trọng dân" và ai "hại dân"?
BHG - Mấy ngày gần đây, nhiều người dân đang tỏ ra băn khoăn về Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt… thậm chí không ít người thiếu hiểu biết, nóng vội và bị kích động nên đã có những hành động thiếu kiểm soát, gây rối, phá hoại tài sản công cộng, gây mất an ninh trật tự, chia rẽ đoàn kết dân tộc như ở Bình Dương, Bình Thuận… Vậy, mục đích của hành động trên thực chất là gì?
Trước hết, phải thừa nhận, trong một xã hội dân chủ, “của dân, do dân, vì dân” mọi cá nhân đều có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề của đất nước trong khuôn khổ pháp luật. Chủ trương thành lập 3 đơn vị hành chính đặc biệt (Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn) là định hướng đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ, được phần lớn người dân đồng tình ủng hộ. Thực tế, “đặc khu kinh tế” được xem là đòn bẩy thực sự cho sự phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới như Mexico, Trung Quốc... Với nước ta, việc xây dựng các “đặc khu kinh tế” sẽ tạo ra môi trường thu hút vốn, công nghệ cao, từ đó tạo ra nguồn lực mạnh, đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá đưa nước ta trở thành nước công nghiệp.
Cho nên, chủ trương thành lập “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” vì mục đích phát triển đất nước, nâng cao đời sống cho người dân, tức là “vì dân”. Mặt khác, Dự luật “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” đã được cơ quan Nhà nước công khai để nhân dân biết, góp ý từ rất sớm. Đồng thời, trước những góp ý của nhân dân, Chính phủ đã đề nghị sửa đổi nhiều quy định, trong đó có “thời hạn thuê đất”… Quốc hội cũng quyết định lùi thời gian thông qua Dự luật để tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện của đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những việc làm đó thể hiện thái độ lắng nghe, tiếp thu và tôn trọng ý kiến của nhân dân tức là “trọng dân”; cho thấy một chính quyền cầu thị, lắng nghe dân, đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất, dù việc chậm thông qua có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các doanh nghiệp lớn cũng như tốc độ phát triển kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, trái ngược với hành động của chính quyền, có một bộ phận nhỏ người dân thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tôn trọng cơ quan Nhà nước, nghe theo kẻ xấu nên đã xuyên tạc nhiều vấn đề, kích động người dân hành hung lực lượng Công an, đập phá cơ quan chính quyền, đốt phá xe cộ, tài sản công. Họ xuyên tạc “bán đất cho Trung Quốc”, nhưng thực tế không có điều khoản nào trong Dự luật ghi “bán đất”, càng không có quy định ưu tiên riêng cho quốc gia hay vùng lãnh thổ nào được thuê đất.
Họ kích động người dân về thời hạn “thuê đất 99 năm”, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sẽ xem lại quy định này. Thế nhưng, trong ngày 10.6 và những ngày tiếp theo, các phần tử quá khích, phản động vẫn tiếp tục xúi giục người dân biểu tình, tấn công lực lượng bảo vệ pháp luật, phá hoại tài sản công; thể hiện dã tâm phá hoại sự phát triển của đất nước, cản trở môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế của dân ta.
Thực chất, người dân đều biết rằng, muốn góp ý vào Dự thảo “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” thì hoàn toàn có thể bày tỏ trực tiếp trên địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn từ khi được Quốc hội lấy ý kiến, chứ không phải “góp ý bằng gạch đá, đốt phá”... Tuy nhiên, những kẻ có ý đồ xấu thường không “góp ý” theo cách chính thức, mang tính xây dựng, họ chỉ muốn phá hoại cuộc sống hòa bình, yên ổn của nhân dân ta, chúng thực sự là những kẻ “hại dân”.
Lịch sử dựng nước cho thấy, chúng ta thua khi bị chia rẽ, chúng ta chậm hơn nước khác khi “bảo thủ và ngại thay đổi” và sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước cũng có thể chậm bởi chính những “kẻ thù” này. Còn có một nghịch lý là người dân ở nơi sắp trở thành đặc khu đang hối hả chuẩn bị đón các nhà đầu tư, háo hức trước vận hội mới, không ai biểu tình phản đối thì vài nơi khác lại có kẻ đang phá hoại mong muốn đó và cũng có không ít người thiếu hiểu biết đang “like”, cổ vũ cho những hành động bạo lực, phá hoại…
Do vậy, là một công dân chân chính cần nhận thức rõ ai “trọng dân” và ai đang “hại dân”!
LƯƠNG DÂN (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc