Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ nông thôn ở Quang Bình
BHG - Hiện, 13/15 xã, thị trấn của huyện Quang Bình có chợ nông thôn (CNT) thường xuyên duy trì hoạt động và trên 1.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Để thuận tiện cho việc buôn bán, giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân, thời gian qua, hệ thống CNT trên địa bàn huyện đã và đang được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, việc kiểm soát về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các chợ vẫn còn nhiều bất cập; tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều quầy hàng bày bán tràn lan dọc 2 bên đường, khu chợ xã Vĩ Thượng (Quang Bình) không đảm bảo vệ sinh. |
Chợ trung tâm xã Tân Trịnh được họp vào thứ 7 hàng tuần, từ sáng sớm đến khoảng 12 giờ trưa. Chợ nằm sát ngã 3 (Quốc lộ 279 rẽ đi xã Xuân Minh), vì chợ họp vào ngày cuối tuần, nên lượng người qua lại rất đông, gây ách tắc giao thông cục bộ (vì đoạn đường này thường xuyên có nhiều xe tải, xe contenner qua lại). Mặc dù chợ Tân Trịnh mới được xây dựng, nhưng đến nay, chợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Chủ tịch UBND xã Tân Trịnh, Phạm Thanh Quyền cho biết: Tổng diện tích quy hoạch chợ là 4.000 m2, tuy nhiên mới xây dựng hoàn thiện được 2.100 m2; bao gồm 2 dãy nhà chợ, với 14 gian hàng. Cơ sở hạ tầng chợ còn thiếu hệ thống điện, nước; hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được lắp đặt, nhà để xe cũng chưa được xây dựng. Các gian hàng chủ yếu bán hàng khô, quần áo, giày dép, hàng tạp hóa. Do đó, những hàng bán hoa quả, bánh trái, thịt sống, gia cầm…, được bày bán tràn lan dọc 2 bên Quốc lộ 279 và hầu hết không được che chắn bụi bẩn… Đặc biệt, các mặt hàng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… cũng được bày bán cùng nên ảnh hưởng đến VSATTP.
Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của người dân trong xã, chợ xã Vĩ Thượng còn thu hút đông đảo bà con từ các xã lân cận đến giao lưu, buôn bán, như: Tiên Yên, Xuân Giang; Đồng Yên (Bắc Quang); Khánh Thiện, Lục Yên (Yên Bái). Chợ họp 2 phiên vào sáng thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, lượng khách mỗi phiên lên tới trên 500 lượt người. Được biết, với chủ trương xã hội hóa hoạt động kinh doanh chợ, năm 2016, xã vận động bà con tiểu thương đóng góp kinh phí mở rộng diện tích chợ với tổng mức đầu tư gần 100 triệu đồng. Nhờ vậy, chợ được mở rộng từ 1.800 m2 lên 2.300 m2; quy mô gần 100 ô bán hàng cố định (diện tích 3m2/ô) cho các hộ kinh doanh hàng tạp hóa, quần áo, giày dép... 500 m2 được quy hoạch dành riêng cho hàng nông sản. Xong, nhiều loại hàng hóa (thịt sống, rau quả) vẫn được bày bán dọc hai bên cổng chợ, việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng không được thường xuyên...
Hiện, cơ sở hạ tầng của một số CNT trên địa bàn huyện được xây dựng bán kiên cố và xuống cấp, nguồn kinh phí sửa chữa không đảm bảo, nên các gian hàng đều sập xệ, lối đi chật chội và chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải; các loại thực phẩm tươi sống bày bán xen lẫn với thực phẩm chín không được che đậy và bày bán ngay lề đường nên không đảm bảo VSATTP; còn người dân thì vẫn duy trì thói quen mua hàng hóa, thực phẩm tại các CNT.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Đội trưởng Quản lý Thị trường số 11 huyện Quang Bình cho biết: “Thời gian qua, Ban Chỉ đạo VSATTP huyện liên tục ra quân kiểm tra các cơ sở buôn bán, dịch vụ ăn uống; chợ các xã, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm về VSATTP, thu nộp Kho bạc gần 30 triệu đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo VSATTP tại các cơ sở buôn bán, dịch vụ ăn uống và các CNT. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng mất VSATTP tại các CNT thì người dân và người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, chọn mua các loại hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo an toàn”.
Bài, ảnh: VŨ YẾN
Ý kiến bạn đọc