Tăng cường phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới
BHG - Là tỉnh miền núi có đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, Hà Giang được xác định là địa bàn đi, đến và trung chuyển của những đối tượng phạm tội. Trong đó, có tội phạm mua bán người (MBN). Những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm MBN luôn được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và lực lượng chức năng đặc biệt chú trọng. Các biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật cho người dân khu vực biên giới Mốc 358, xã Bạch Đích (Yên Minh). |
Ngày 31.12.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2546 phê duyệt Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2016 – 2020, gồm 5 đề án với mục tiêu: Giảm nguy cơ MBN, giảm tội phạm MBN, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống MBN của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban Chỉ đạo) tỉnh đã xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm MBN.
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền Luật Phòng, chống MBN đến nhân dân khu vực biên giới, các địa bàn trọng điểm như: Xã Xín Cái, Sơn Vĩ, Thượng Phùng (Mèo Vạc); xã Bạch Đích, Phú Lũng (Yên Minh)… Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức tuyên truyền được trên 1.300 buổi, thu hút hơn 69.000 lượt người tham gia. Hội LHPN các cấp chủ động phối hợp tuyên truyền về phòng, chống tội phạm MBN lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi hội hoặc tại các chợ phiên, trường học. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật và đời sống” với 4.408 thành viên; duy trì 1.019 địa chỉ tin cậy trong cộng đồng nhằm hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị mua bán...
Lực lượng Công an, Biên phòng rà soát và xác định 6 tuyến, 26 địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm MBN. Chú trọng thực hiện công tác nghiệp vụ đối với địa bàn nội địa, ngoại biên và các tuyến trọng điểm. Triển khai thực hiện tốt các kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình, quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng.
Công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiếp nhận 1.552 trường hợp được trao trả và giải cứu qua công tác nghiệp vụ. Các nạn nhân trở về đều được khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc và bàn giao cho gia đình, chính quyền địa phương theo đúng quy định. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên phối hợp với lực lượng đối đẳng phía Trung Quốc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trên tuyến biên giới, tổ chức giao ban định kỳ, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xác minh các vụ án và giải cứu kịp thời các nạn nhân bị mua bán.
Với việc triển khai nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động phòng, chống tội phạm MBN, từ năm 2016 đến nay, tình hình tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế và có xu hướng giảm so với những năm trước. Toàn tỉnh phát hiện 34 vụ/45 đối tượng có hành vi MBN, với 54 nạn nhân, so với 2 năm trước liền kề giảm 13 vụ, 33 đối tượng, 16 nạn nhân.
Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn có đường biên giới dài, nhân dân vùng biên trình độ dân trí còn hạn chế, kinh tế còn nhiều khó khăn dẫn đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN cũng còn những hạn chế nhất định. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động phòng, chống MBN những năm tiếp theo, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào sinh sống ở khu vực biên giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật với hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa bàn. Các lực lượng chức năng chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, mở các đợt cao điểm tấn công, truy bắt đối tượng phạm tội, kịp thời giải cứu, bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm MBN.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc