Cảnh báo tỷ lệ tảo hôn gia tăng ở Nà Khương
BHG - Trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ tảo hôn ở Nà Khương (Quang Bình) tăng đáng kể. Theo báo cáo của xã, năm 2016, xã có 5 cặp tảo hôn, đến 2017, con số này tăng lên 10 cặp trong tổng số 22 cặp kết hôn trong năm, chiếm tỷ lệ khoảng 45% và 4 tháng đầu năm 2018 có 2 cặp. Đây là con số đáng báo động về tình trạng tảo hôn ở địa phương này.
Tảo hôn là trường hợp lấy vợ, lấy chồng khi một bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (nam đủ 20 tuổi, nữ 18 tuổi). Đối với Nà Khương, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn được anh Lùng Quang Văn, cán bộ Tư pháp xã cho biết: Do trình độ dân trí không đồng đều, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền cơ sở còn hạn chế. Các hộ đều tham gia các cuộc tuyên truyền, vận động đầy đủ, nhưng nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này còn hạn chế. Một bộ phận người dân và đoàn viên, thanh niên ý thức tự giác chấp hành kém, hoặc cố ý không chấp hành các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; nên chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, quản lý dân số. Bên cạnh đó, phong tục tập quán và hoàn cảnh gia đình cũng như tâm, sinh lý của học sinh hiện thay đổi nhiều do các em tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm, có tác động không nhỏ tới tình trạng tảo hôn...
Nà Khương là xã vùng ba của huyện Quang Bình, chủ yếu là đồng bào Mông, chiếm gần 50% dân số toàn xã; cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế. Các cặp tảo hôn đều tập trung ở nhóm tuổi 14 - 19 tuổi, trong đó, hơn 60% số cặp này đã và đang mang thai. Đây thực sự là những con số báo động, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tạo ra những hệ lụy khôn lường cho các thế hệ sau, như: Trẻ em dưới 18 tuổi chưa có sự phát triển toàn diện để sẵn sàng làm mẹ, những đứa trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh cao hơn; các cặp vợ chồng chưa thể sống tự lập, việc ra ở riêng gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến đói, nghèo hay ly hôn sớm, gây khó khăn cho gia đình, xã hội; kết hôn sớm, khiến các em phải tập trung chăm lo cho gia đình, khó có điều kiện để tiếp tục đi học và phát triển hoàn thiện thể chất, tư duy; gia tăng tỷ lệ đói, nghèo các vùng vốn đã lạc hậu và kém phát triển, đặc biệt, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, sự phát triển của xã hội…
Từ thực trạng trên, trong năm 2018, UBND xã Nà Khương đã xây dựng kế hoạch, ban hành và chỉ đạo cán bộ phụ trách đi tuyên truyền, vận động và tiến hành ký cam kết đối với 100% các thôn, hộ gia đình không để xảy ra tảo hôn, kết hôn cận huyết. Đến nay, đã thực hiện ký kết được 4/9 thôn. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình tại các buổi họp thôn và trong trường học bằng nhiều hình thức, như: Trình chiếu các hình ảnh, hay sân khấu hóa… Đối với các trường hợp có ý định cho con tảo hôn, cán bộ xã trực tiếp xuống làm việc và kiên quyết xử lý nếu không thực hiện theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tiềm, Chủ tịch UBND xã Nà Khương cho biết: Những năm gần đây, tỷ lệ tảo hôn của xã có chiều hướng gia tăng. Ngoài những nguyên nhân khách quan, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số chưa thực sự trách nhiệm và phát huy hiệu quả. Vì thế, xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức; phân công và quy trách nhiệm cụ thể tới từng cán bộ phụ trách thôn, xóm, cán bộ dân số... Đồng thời, kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm để làm gương cho các hộ khác và ngay trong đầu năm 2018, đã có 2 hộ bị phạt theo quy định của pháp luật.
Vương Mai
Ý kiến bạn đọc