Hiệu ứng tích cực trong công tác tái hòa nhập cộng đồng
BHG - Trong những năm qua, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Với nhiều cách làm hay, đã mở ra hướng đi mới cho những người đã một thời lầm lỗi, vươn lên làm lại cuộc đời.
Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh thường xuyên thăm hỏi, tặng quà những điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. |
Tính đến hết tháng 6.2017, trên địa bàn tỉnh có gần 3.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong đó, có hơn 1.000 người còn án tích; số người chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương chiếm tỷ lệ 80%; số đã có việc làm chiếm hơn 70%; số chưa có việc làm và nguy cơ tái phạm chiếm 20%, chủ yếu do đối tượng lười lao động, sống ở địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, bị tác động, lôi kéo… Đa số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có trình độ học vấn thấp, mặc dù trong quá trình cải tạo tại các trại giam, tạm giam đã được quan tâm giáo dục về học vấn, hướng nghiệp dạy nghề; bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, bỏ mặc của một bộ phận xã hội làm cho họ gặp nhiều khó khăn trong tìm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ – CP của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương; chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình về tái hòa nhập cộng đồng, gắn với việc triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2013 – 2020 và các nguồn lực phù hợp với điều kiện của địa phương. Qua đó, đã xuất hiện một số ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác này, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương, mô hình tiêu biểu vượt qua mặc cảm, vươn lên, sống có ích cho xã hội.
Có thể kể đến một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như hộ anh Phan Văn Cảnh, trú tại xã Hương Sơn (Quang Bình). Sau khi chấp hành xong án phạt tù, được Ngân hàng Nông nghiệp cho vay 210 triệu đồng, anh Cảnh đã thực hiện trang trại nuôi bò, lợn, trồng cam và tạo công ăn việc làm cho 5 lao động. Mô hình Câu lạc bộ “Vững bước” (phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang), anh Nguyễn Văn Tuấn là một điển hình: Hàng năm, anh Tuấn tổ chức cho những người chấp hành xong án phạt tù gặp mặt, động viên nhau phát triển kinh tế; anh vay vốn mở doanh nghiệp chế biến gỗ và tạo việc làm ổn định cho 10 - 15 lao động.
Là đơn vị trực tiếp theo dõi, quản lý, thực hiện công tác này, trong những năm qua, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP) Công an tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác THAHS, công tác tạm giữ và công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Thượng tá Phan Văn Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát THAHS và HTTP Công an tỉnh cho biết: “Đơn vị đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức rà soát trên địa bàn toàn tỉnh những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ vươn lên ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Hầu hết những người này đã có cuộc sống ổn định, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho những phạm nhân trước khi được trở về với cộng đồng xã hội”.
Mỗi người một lối đi, quan trọng hơn là họ đã vượt qua những tự ti, mặc cảm của bản thân, xã hội đón nhận không xa lánh kỳ thị. Đó chính là giá trị của cuộc sống đối với những người đã một thời lầm lỗi. Cùng với các cấp, các ngành, những người trong cuộc có trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội, giúp họ vững tin xây dựng một cuộc sống ổn định và ý nghĩa.
Bải, ảnh: Nguyễn Lân
Ý kiến bạn đọc