Nghị định 15/2018/NĐ-CP: Cuộc "cách mạng" trong quản lý an toàn thực phẩm

10:09, 12/03/2018

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đặt dấu chấm hết cho quá trình gian khổ, hết sức hành chính, hình thức… là một phần nhận định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP vừa diễn ra mới đây với sự tham gia đông đảo của các hiệp hội ngành nghề, DN cùng các chuyên gia kinh tế.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 2/2 và có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký. Nghị định được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ cùng nhiều cơ quan liên quan.

Từ những bất cập…

Trong thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP, một trong những vấn đề gây bức xúc nhất đối với DN là những bất cập về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, trên thực tế, thủ tục này đã biến thành một loại “giấy phép con” gây tốn kém thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2015, Cục An toàn thực phẩm cấp khoảng 35.000 giấy xác nhận và con số này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017, có thể lên tới 45.000 giấy phép. 

Khảo sát của CIEM cho thấy để xin được một giấy xác nhận, trung bình DN mất khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng (gồm chi phí chính thức và cả phi chính thức). Thời gian xin xác nhận trung bình là 4 tháng.

Các DN cho rằng, thủ tục xác nhận nhiêu khê, phức tạp, tốn kém, thế nhưng việc cấp xác nhận công bố phù hợp không làm thay đổi trách nhiệm của DN về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được công bố. DN nhận được giấy xác nhận, nhưng trong đó ghi DN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng thực phẩm mà DN đã công bố, nghĩa là cơ quan quản lý an toàn thực phẩm không phải chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.

Hơn nữa, cơ quan nhà nước cấp giấy xác nhận chỉ dựa vào hồ sơ của DN nộp, kết quả kiểm nghiệm dựa trên mẫu kiểm nghiệm do DN tự lấy, nghĩa là hoàn toàn chỉ quản lý trên giấy. Nói cách khác, việc cấp giấy xác nhận công bố phù hợp hầu như không có ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong thực tế.

“Trên thực tế, các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra từ các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố…, nghĩa là nguy cơ mất an toàn nằm ở nhóm hàng hóa khác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 38. Như vậy, cơ quan quản lý dành 98% nguồn lực vào chỗ rủi ro ít, trong khi những nơi có nhiều nguy cơ nhất lại không được quan tâm” -  TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng  CIEM, bình luận.

… tới đòi hỏi bức thiết của thực tiễn

Từ các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt. Các nội dung trong dự thảo cũng đã phải nhiều lần chỉnh sửa trước những ý kiến kiên trì từ phía các doanh nghiệp, các chuyên gia và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Vì thế, Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38 đã được ban hành trong niềm vui mừng của cộng đồng doanh nghiệp. 

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, Nghị định 15 gồm 13 chương, 44 điều, với 11 nội dung chính được điều chỉnh so với Nghị định 38. Đây là một trong rất ít các nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký, ngày 2/2, thể hiện quyết tâm cao độ của Chính phủ và Bộ Y tế trong việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh cho DN.

Một trong những nội dung được cộng đồng DN, cá nhân kinh doanh thực phẩm đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) (Bộ Y tế) - nhấn mạnh: “Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố”. Khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và DN chỉ cần “nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản hẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

Theo đại diện Cục ATTP, với Nghị định mới này, Bộ Y tế chỉ yêu cầu các DN phải đăng ký bản công bố sản phẩm với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP nhằm giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Nghị định này cũng mang đến sự thay đổi cơ bản về quản lý thực phẩm nhập khẩu, chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây. Điều này sẽ tiết kiệm rất lớn thủ tục hành chính, không còn đại diện 3 bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thường trực ở cửa khẩu nữa mà chỉ có hải quan.

Đặt dấu chấm hết cho quá trình gian khổ, hết sức hành chính, hình thức…

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ tâm tư của nhiều DN khi cho rằng Nghị định 15/2018/NĐ-CP chính là “món quà” đầu năm đầy ý nghĩa mà Chính phủ, Bộ Y tế dành cho cộng đồng DN. “Nghị định 15 thay thế cho Nghị định 38, đặt dấu chấm hết cho quá trình gian nan, gian khổ, hết sức hành chính, hình thức, không nâng cao được an toàn thực phẩm mà chỉ gây tốn kém cho xã hội. Đây là cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm” - ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc thực thi Nghị định 15/2018/NĐ-CP sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của DN lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế trong việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN, nỗ lực đưa ra Nghị định mới này. Hi vọng các bộ, ngành lĩnh vực khác còn lưỡng lự, băn khoăn hãy học tập cách làm của Bộ Y tế, mang lại những món quà đầy trách nhiệm như vậy để khuyến khích, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích cho người dân”, đại diện VCCI bày tỏ.

>>Xem Nghị định

Theo baophapluat.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động

BHG - Trong những năm qua, công tác tham gia quản lý, chăm lo đời sống, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động.

 

12/03/2018
Đoàn từ thiện Hà Nội hỗ trợ xây nhà lớp học, xóa nhà tạm tại Mèo Vạc

BHG - Trong 2 ngày 10 – 11.3, Đoàn từ thiện Hà Nội do bà Trần Ánh Tuyết đã đi khảo sát một số hộ nghèo, đặc biệt khó khăn và một số điểm trường mầm non tạm bợ trên địa bàn huyện Mèo Vạc để hỗ trợ xóa nhà tạm và xây dựng điểm trường mới. Đoàn đã khảo sát và làm lễ động thổ xây dựng 2 điểm trường Mầm non của thôn Nhiều Lũng, xã Tát Ngà và thôn Sán Sả, xã Pải Lủng. 

11/03/2018
Nữ Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu

BHG - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Chuyên tỉnh là giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề, tận tuỵ với học sinh, năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong hoạt động Công đoàn, luôn được đoàn viên Công đoàn tín nhiệm.

 

09/03/2018
Góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục

BHG - Nhiệm kỳ 2012 - 2017, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh ta đã hoạt động tích cực, đổi mới và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên Công đoàn. Trước thềm Đại hội Công đoàn ngành Giáo dục lần thứ XV, nhiệm kỳ 2018 - 2023, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh.

 

09/03/2018