Kinh nghiệm xã hội hóa trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở Quản Bạ
BHG - Với sự nỗ lực trong công tác xã hội hóa giáo dục, toàn huyện Quản Bạ có 13/40 trường học đạt chuẩn Quốc gia. năm 2017, huyện thêm 2 trường Tiểu học xã Quyết Tiến và Mầm non xã Quản Bạ được công nhận đạt chuẩn quốc gia là những tín hiệu đáng mừng trong công tác giáo dục ở đây.
Trường Mầm non xã Quản Bạ được lắp đặt nhiều đồ chơi mới do các tổ chức trao tặng. |
Trường Mầm non Quản Bạ được thành lập từ năm 2004, trên cơ sở tách từ Trường Tiểu học Quản Bạ. Hiện nay, trường có 1 trường chính và 6 điểm trường, với 21 nhóm, lớp, 351 học sinh. Trước đây, cơ sở vật chất của nhà trường chưa đầy đủ, các cháu ở điểm trường phải học trong phòng học tạm bợ, chật hẹp, trời lạnh thì gió lùa rét mướt, trời mưa lại dột; không có chỗ cho giáo viên lưu trú tại điểm trường. Dù khó khăn, nhưng tập thể nhà trường vẫn luôn đoàn kết, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ và được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2017.
Kinh nghiệm để xây dựng trường chuẩn Quốc gia là bắt đầu từ những tiêu chí dễ làm, không quá tốn kém kinh phí. Hiệu trưởng Trường Mầm non Quản Bạ, Phạm Thị Hồng Thu, chia sẻ: “Để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em học sinh, nhà trường đã tuyên truyền phụ huynh cùng tham gia xây dựng: Khu vườn cổ tích; góc truyền thống văn hóa; khu chợ quê; khu vực hoạt động ngoài trời của trẻ; lò đốt rác; khu vực chơi với cát và nước; tạo môi trường học tập ngoài trời; xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở ngoài lớp học; làm vườn rau, bồn hoa cây cảnh… tạo dựng cảnh quan, khuôn viên đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp phù hợp với đặc thù của nhà trường để sớm đạt các tiêu chí”. Đặc biệt, trong năm vừa qua, nhờ nguồn vốn xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã xây dựng mới được 3 điểm trường ở thôn Nhíu Lủng, Làng Thàng và Pản Hò. Cụ thể, đã xây mới 6 phòng lớp học, 3 nhà vệ sinh, 2 bếp nấu ăn cho trẻ, với tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng. Các học sinh được học trong phòng khang trang, sạch, đẹp, có đầy đủ đồ dùng dạy học. Từ đó, đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ từ 3 – 5 tuổi đạt 100%, nhất là công tác vận động trẻ 5 tuổi ra lớp để thực hiện chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành học.
Để đạt các tiêu chí về trường chuẩn thì cơ sở vật chất luôn là khó khăn hàng đầu, do các trường học thường có nhiều điểm trường ở các thôn, bản vùng sâu vùng xa. Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Quyết Tiến, Phạm Như Ý, cho biết: “Trường có 1 trường chính và 7 điểm trường với 833 học sinh, để hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất và khuôn viên trong nhà trường, chúng tôi đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ tu sửa, vận động phụ huynh học sinh đóng góp khoảng 1.800 ngày công, giáo viên đóng góp 2.400 ngày công tu sửa cả 7 điểm trường. Hơn nữa, do học sinh là dân tộc thiểu số, nói tiếng phổ thông chưa sõi, nên nhà trường phải có kế hoạch phân công bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng giáo dục”. Nhờ có điều kiện học tập tốt hơn, chất lượng giáo dục mọi mặt của trường được nâng lên, 90% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học.
Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Quản Bạ, Lê Trung Thành, cho biết: “Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, toàn huyện mới có 407 phòng học kiên cố, còn 26 phòng học cấp bốn và 144 phòng học tạm, học nhờ. Do vậy, ngành rất quan tâm đến công tác xã hội hóa giáo dục, trong năm qua đã thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng được 9 điểm trường với kinh phí gần 5 tỷ đồng”. Để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh vùng cao, ngành đang nỗ lực kêu gọi xã hội hóa bằng nhiều hình thức với mong muốn tạo ra sự chuyển biến trong công tác giáo dục.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc