Yên Minh, khó khăn trong việc đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh
BHG - Công tác giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành của huyện Yên Minh quan tâm, triển khai thông qua Ngày hội giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho lao động địa phương tiếp xúc, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng... Tuy nhiên, việc đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Thị trường lao động ngoại tỉnh rất tiềm năng, nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) huyện Yên Minh, đến thời điểm hiện tại, đã giải quyết việc làm mới cho 2.013 lao động. Trong đó, lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển KT-XH của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, HTX… 1.742 người. Xuất khẩu và đưa lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước 271 người. Chương trình vay vốn, giải quyết việc làm đã phê duyệt 6 Dự án với tổng số vốn 471 triệu đồng, tạo việc làm cho 13 lao động.
Người lao động đăng ký đi làm việc ngoại tỉnh tại Ngày hội việc làm do UBND huyện tổ chức. Ảnh: C.T.V |
Lao động của huyện đi làm việc ngoại tỉnh, tập trung chủ yếu tại một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Khoa học - kỹ thuật Texchong Ngân Hà, Công ty Sam Sung Việt Nam. Và đa số lao động phổ thông, làm việc trong lĩnh vực dệt may, khai thác mỏ, lắp ráp linh kiện điện tử… Một số địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) và đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh như: Đông Minh, Lao Và Chải, Sủng Cháng, Ngọc Long. Số lao động được giới thiệu đi làm việc ngoại tỉnh và qua XKLĐ đều đã có việc làm, thu nhập ổn định; từng bước giảm tỷ lệ người thất nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Tuy nhiên, có một thực tế, số lao động làm việc ngoại tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu. Cùng với đó, các cấp, ngành liên quan đang đối mặt với những khó khăn trong việc đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Phó Trưởng phòng LĐ – TBXH huyện Yên Minh, khó khăn đầu tiên do người lao động còn mang nặng tâm lý ngại đi làm xa, sợ không an toàn; lực lượng lao động phần đông người dân tộc thiểu số, nhận thức về XKLĐ và làm việc ngoại tỉnh chưa đầy đủ, nên chưa tích cực tham gia… Bên cạnh đó, nhiều thị trường đòi hỏi có trình độ, chất lượng cao, nên lao động của huyện chưa đáp ứng được; trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, sức khỏe và ý thức kỷ luật của người có nhu cầu đi XKLĐ còn nhiều hạn chế.
Đứng trước những khó khăn trong việc đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh, UBND huyện Yên Minh đã triển khai một số giải pháp như: Thành lập Đoàn công tác đến thăm và làm việc với Trường Cao đẳng nghề Than-Khoáng sản Việt Nam, Công ty Hồng Hải (Bắc Giang), Công ty Sam Sung (Thái Nguyên)… để liên kết, đưa lao động đi làm việc. Trong năm, huyện đã tổ chức Ngày hội giới thiệu việc làm, thu hút 11 doanh nghiệp trong nước và hơn 800 lao động tham gia, gần 200 lao động đăng ký đi làm việc; phối hợp với Trung tâm Giải quyết việc làm tỉnh, tổ chức nhiều hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại các cụm xã; tập huấn kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác XKLĐ…
Trong thời gian tới, UBND huyện Yên Minh tiếp tục triển khai các biện pháp tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và đi làm việc ngoại tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về các chính sách hỗ trợ, lợi ích của việc XKLĐ; tổ chức, giới thiệu, tìm đầu mối có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông và thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc