Phê bình và nói xấu
BHG - Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội thì hiện tượng nói xấu, bôi nhọ, “bắt nạt” người khác qua mạng xã hội đang có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát; mỗi ngày có hàng trăm bài viết, bình luận, xuyên tạc, xúc phạm đến thành viên trong cộng đồng… Mặc dù nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý nhưng hiện tượng này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mới đây, sự việc bác sĩ Hoàng Công Truyện (Thừa Thiên Huế) bị xử phạt vì “bôi nhọ, xúc phạm” Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau về cách bày tỏ quan điểm cá nhân và cách hiểu đúng về phê bình hay sự phản biện xã hội. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, thời gian qua cũng có nhiều người sử dụng phương tiện thông tin để “tô đậm, phóng đại, xoáy sâu” vào một số vụ việc, một số hạn chế của cơ quan chức năng và một vài cán bộ, đảng viên. Việc làm đó đã tạo ra dư luận tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, gây bức xúc trong cộng đồng… Vậy đó là “phê bình, góp ý” hay là “nói xấu, bôi nhọ”?.
Phê bình là bày tỏ quan điểm của con người thông qua giải thích, bình luận, phán đoán về một vấn đề hay hiện tượng nào trong mối quan hệ giữa con người và thế giới xung quanh. Trong cuộc sống hàng ngày, phê bình là cách biểu thị, đánh giá phổ biến của cá nhân hay nhóm xã hội có liên quan đến quan điểm và lợi ích của họ; trong Đảng thì phê bình là một mặt trong nguyên tắc “tự phê bình và phê bình”, đó là sự đánh giá, góp ý lẫn nhau trong tập thể để điều chỉnh, khắc phục hạn chế yếu kém cho mỗi thành viên trong tổ chức. Phê bình được thực hiện trực tiếp hay gián tiếp đến đối tượng được đánh giá, góp ý. Ngược lại, “nói xấu” là cách bày tỏ quan điểm như phê bình nhưng theo hướng gián tiếp, giấu diếm và tập trung vào mặt tiêu cực. Sự khác biệt của hai cách phản ánh này được thể hiện qua những nét sau:
Phê bình thừa nhận ưu điểm, nói xấu chủ yếu tập trung vào hạn chế. Nội dung cơ bản của phê bình bao gồm sự thừa nhận những ưu điểm, biểu hiện tích cực, những đóng góp, cố gắng của người được phê bình và khẳng định giá trị mà chủ thể đó đã đem lại cho cơ quan, cộng đồng xã hội. Đồng thời, nhìn nhận khách quan những thiếu sót, những điểm hạn chế, chưa phù hợp; thông qua đó “bình luận”, đo đếm giữa ưu và khuyết để “cộng đồng” đánh giá. Nếu phê bình thừa nhận “ưu điểm” để góp ý cho “nhược điểm” thì biểu hiện của “nói xấu, bôi nhọ” chỉ tập trung vào hạn chế để đánh giá, phán xét, quy chụp cho đối tượng được phê bình; biểu hiện thiếu khách quan, làm cho người nghe hiểu lầm, đánh giá sai về đối tượng.
Phê bình công khai và trực tiếp, nói xấu chỉ thực hiện gián tiếp. Thực chất phê bình thường được thực hiện công khai về nội dung phê bình, người phê bình và bằng hình thức trực tiếp đến người được góp ý, phê bình; tuy nhiên có nhiều trường hợp “góp ý riêng”, phê bình kín nhưng đối tượng luôn được công khai về nội dung và chủ thể phê bình. Trong khi đó, hành vi “bôi nhọ, nói xấu” chủ thể thường có xu hướng dấu diếm về bản thân mình và những hành vi này thường được thực hiện bởi “tên giả”, “thông tin nặc danh” thông qua một phương tiện nhất định (chủ yếu hiện nay là mạng xã hội, facebook, twiter)… để dễ kích động dư luận.
Phê bình hướng tới hoàn thiện đối tượng, nói xấu thì triệt tiêu. Điểm nổi bật của phê bình là trên cơ sở đánh giá hạn chế, khuyết điểm, người phê bình thường chỉ ra hướng để đối tượng hoàn thiện bản thân, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp khắc phục những hạn chế, qua đó cá nhân dần hoàn thiện mình. Nhưng “nói xấu” thường chỉ đưa ra những hạn chế, xoáy sâu vào khuyết điểm cơ bản để phán xét, tô đậm nhằm “hạ bệ”, “triệt tiêu”, “trù dập”… nhưng không đặt ra được cách thức giúp họ khắc phục khuyết điểm, hạn chế.
Phê bình dựa trên sự việc, biểu hiện thực, mang tính hệ thống, nói xấu, bôi nhọ tập trung vào một hiện tượng và đánh giá chủ quan. Mỗi đánh giá, góp ý phê bình, thông thường đều phải nhìn nhận khách quan về đối tượng và sự việc trong quá trình hoạt động công tác, trên cơ sở đó tìm ra căn nguyên, xem xét toàn diện, có hệ thống để đánh giá đúng về đối tượng được phê bình. Ngược lại, khi nói xấu, bôi nhọ người ta thường tập trung vào một hiện tượng, một việc làm tại một thời điểm nhất định để quy kết, suy diễn thành cái cơ bản, làm cho người khác có nhìn nhận thiếu chính xác. Thực tế các hiện tượng nói xấu trên mạng internet ở Hà Giang thời gian qua, các phần tử này chỉ tập trung vào khuyết điểm, hạn chế ở một số sự việc mà không đánh giá những mặt tích cực, những đóng góp quan trọng của khách thể, làm cho dư luận nhìn nhận lệch lạc, phiến diện về các nội dung được nêu.
Mỗi dịp cuối năm, các cơ quan, tổ chức lại tiến hành đánh giá, phê bình thành viên trong tổ chức mình. Nhưng thực tế người hay “nói xấu, bôi nhọ sau lưng” thường ít “phê bình” công khai; do vậy, để phê bình thực chất hơn và ngăn chặn được hiện tượng “nói xấu, bôi nhọ” thì cấp ủy, chính quyền và mỗi cá nhân cần phải nhận thức đúng đắn về bản chất của vấn đề này, đồng thời có phương pháp phê bình phù hợp.
Lương Nghĩa
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc