Những giải pháp giải quyết tình trạng lao động tự do qua biên giới
BHG - Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi năm có từ 5.000 - 10.000 lượt người sang Trung Quốc làm thuê. Số lao động phổ thông này chủ yếu làm các công việc như trồng, khai thác rừng, xây dựng, bốc dỡ hàng hóa và các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập khoảng 6 - 10 triệu đồng/tháng. Hầu hết số lao động trên đều đi theo diện tự do, vi phạm các quy định về xuất, nhập cảnh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động tự do vượt biên sang Trung Quốc làm việc, nhưng đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bên cạnh yếu tố như nhiều việc làm, tiền công cao, đi về trong ngày… tình trạng người lao động không được trả tiền công, bị trục xuất về nước do không đủ giấy tờ hợp pháp, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý dân cư, an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, có trường hợp người lao động bị các lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền. Thực trạng trên đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý, ngăn chặn người lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.
Hội nghị quản lý lao động giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và châu Văn Sơn (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 15.9.2017. |
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, trong 4 năm từ 2014 - 2017 đã có 24 vụ tai nạn liên quan đến lao động là người Hà Giang xảy ra trên địa bàn Trung Quốc, khiến 32 người chết, 36 người bị thương. Hầu hết các vụ việc trên đều do gia đình nạn nhân tự thỏa thuận, dẫn đến quyền lợi của người lao động không được bảo vệ. Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý số lao động đi làm việc thời vụ, đi thành từng nhóm hay giúp việc gia đình… nên hai bên cũng cần phải có những giải pháp quản lý, hoặc tạo điều kiện thí điểm cho cấp chính quyền huyện, hương, trấn cấp thẻ quản lý để cư dân hai bên biên giới được tham gia lao động.
Nhằm từng bước giải quyết tình trạng người lao động vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, thời gian qua, tỉnh ta và các địa phương của Trung Quốc đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội đàm, đưa ra các giải pháp quản lý lao động. Trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết, hai bên đã đẩy mạnh việc tiếp xúc, đề xuất nội dung hợp tác. Trong đó, huyện Mèo Vạc là đơn vị đi đầu của tỉnh ký thỏa thuận đưa lao động đi Trung Quốc làm việc nhiều nhất, với 2 đợt, được 336 người. Có được kết quả này, huyện Mèo Vạc đã chú trọng đến công tác ngoại giao, tăng cường trao đổi thông tin; có chính sách hỗ trợ lao động, thành lập doanh nghiệp đầu mối đưa lao động đi làm việc theo thỏa thuận. Sau 3 năm ký kết thỏa thuận, toàn tỉnh có 622 người lao động sang Trung Quốc làm việc.
Theo Giám đốc Sở LĐ - TBXH Sùng Đại Hùng cho biết: Việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai bên đã góp phần tăng cường quản lý lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nhận thức được vấn đề chấp hành luật pháp, đặc biệt về Hiệp định biên giới… Trên cơ sở đó, thúc đẩy hợp tác, đáp ứng nhu cầu lao động bên Trung Quốc đang cần, giúp cho người lao động của tỉnh, đặc biệt số lao động nông nhàn có việc làm và thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Với những cách làm mới, cùng giải pháp đồng bộ, thống nhất các biện pháp quản lý lao động qua biên, hy vọng người lao động tại các khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều hơn cơ hội tìm được việc làm mới, thu nhập ổn định và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Bài, ảnh: Văn Quân
Ý kiến bạn đọc