Người dân Lùng Vái góp tiền kéo điện về bản
BHG - Từ lâu, người dân thành thị đã được sử dụng điện phục vụ cuộc sống; hàng ngày, ngành Điện lực luôn phải tuyên truyền về tiết kiệm điện,… thì tại một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn còn tình trạng trắng điện. Trước thực trạng đó, người dân ở thôn Lùng Vái, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) đã tìm cách xã hội hóa, tự góp tiền để kéo điện về dùng.
Anh Tráng Mí Sình, thôn Lùng Vái, xã Cán Tỷ kể lại chuyện kéo điện về nhà. |
Vui mừng dẫn chúng tôi vào nhà, bật bóng điện lên và giới thiệu về việc kéo điện về thôn, về từng gia đình; ông Tráng Mí Tỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Lùng Vái, xúc động chia sẻ: “Lần đầu tiên trong đời, nhà tôi được dùng điện lưới, gia đình tôi thấy vui, mà bà con trong thôn ai cũng đều vui như thế. Có điện thắp sáng, chúng tôi có thể mua ti vi về xem thời sự, các nhà trong thôn đã rậm rịch mua máy bào gỗ, nghiền ngô, khoan đá về dùng, bao nhiêu cái thuận lợi hơn từ khi có điện về”. Chỉ ra xa, ông Tỉnh nói: Giờ có điện, trong thôn đã có 3 hộ mua tủ lạnh về để mở hàng bán tạp hóa ở gần điểm trường.
Lùng Vái là thôn xa nhất của xã Cán Tỷ, 100% là dân tộc Mông, đường đi lại rất khó khăn; trước đây, khi Nhà nước chưa làm đường, đường vào thôn chỉ là một lối mòn nhỏ cheo leo trên vách núi. Cán bộ xã muốn đi vào thôn cũng phải mất hơn tiếng đồng hồ chạy xe máy trên triền núi dốc dựng ngược mới tới nơi. Do thôn ở xa, ngành Điện lực không thể kéo điện tới được, bởi địa hình đồi núi hiểm trở, chi phí quá tốn kém; thế nên đến cuối năm ngoái, thôn vẫn chưa có điện. Với niềm ao ước được dùng điện từ lâu, ông Tỉnh đã họp bà con trong thôn cùng bàn bạc và tìm cách cách kéo điện về. Sau rất nhiều lần họp thôn, người dân đã nhất trí bỏ tiền dịch vụ môi trường rừng của thôn ra để kéo điện. Thôn đề xuất với UBND xã giúp liên hệ với Công ty Điện lực đến khảo sát, kéo điện vào thôn. Ông Tỉnh cho biết: “Sau khi Công ty Điện lực tính toán số tiền người dân phải bỏ ra trung bình là hơn 6 triệu đồng/hộ, gồm tiền dây điện, công tơ,… thôn đã chi ra 333 triệu đồng từ Quỹ dịch vụ môi trường rừng mà thôn được hưởng từ năm 2012 đến 2015; sau đó, mỗi hộ phải nộp thêm 1 triệu 150 nghìn đồng mới đủ tiền để trả chi phí kéo điện. Cả thôn có 98 hộ, thì có 81 hộ đã góp tiền để kéo điện; một số hộ còn lại không nhất trí vì gia đình khó khăn qúa và đã được hoàn trả lại số tiền dịch vụ môi trường rừng mà các hộ đó được hưởng”.
Bày tỏ niềm vui khi được dùng điện, anh Tráng Mí Sình chia sẻ: “Có điện, nhà mình mua ngay bóng điện, ti vi và máy nghiền ngô về dùng. Bây giờ có điện thắp sáng cho mấy đứa trẻ học bài, không còn phải dùng đèn dầu tù mù như trước nữa. Ngày trước, nhân dân ở thôn đã đề nghị nhiều lần về việc kéo điện về thôn trong các lần tiếp xúc cử tri rồi, những chờ mãi không được. Ở các nơi khác họ được dùng điện từ lâu rồi, mình không có điện dùng nên có nhiều cái bất tiện, kém văn minh hơn; vì thế, chúng tôi quyết tâm góp tiền để kéo điện về dùng”.
Cùng nhất trí với ý kiến của anh Sình, gia đình anh Già Sính Ria là hộ có kinh tế khá nhất thôn, tâm sự, có điện sáng nên cuộc sống của bà con trong thôn mình thấy cũng sáng sủa hơn hẳn. Nhờ xem thời sự, tin tức trên ti vi mà đầu óc được mở mang ra nhiều, biết được nhiều cách làm mới; nhiều thông tin hay mà trước đây mình không biết, cán bộ tuyên truyền cũng chỉ được một phần nhỏ thôi. Bây giờ, đầu óc của nhiều người đã tiến bộ hơn, các thông tin về chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế,… người ta nói suốt nên mình cũng hiểu biết được phần nào. Giờ có điện dùng rồi, nên buổi tối các nhà không còn đóng cửa đi ngủ sớm nữa mà ngồi xem thời sự, cập nhật thông tin, không còn giống như “con ếch ngồi đáy giếng”, quanh năm chỉ biết đến đỉnh núi mù sương và cái chợ huyện mà đã được kết nối với thế giới bên ngoài rộng lớn hơn.
Rời Lùng Vái trong niềm vui được dùng điện lưới Quốc gia của bà con, khi những ánh điện lấp lánh như ánh sao giữa núi rừng. Có điện để thắp sáng và sản xuất, chắc chắn không bao lâu nữa, đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa này sẽ có nhiều đổi thay.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc