Hà Giang thực hiện mục tiêu bình đẳng giới
BHG - ASEAN vừa kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, đánh dấu những thành công về phát triển KT – XH, trong đó có việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (BĐG). BĐG là vấn đề luôn được Nhà nước Việt Nam quan tâm và triển khai nhiều chính sách quan trọng, nhằm mang lại quyền lợi bình đẳng giữa mọi người. Đối với tỉnh ta, vấn đề BĐG cũng luôn được quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền sức khoẻ, phúc lợi của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái. ASEAN đóng vai trò như một đoàn tàu, thúc đẩy Đông Nam Á tiến tới sự thịnh vượng lớn hơn dựa trên nhân quyền và BĐG; giúp hoàn thành mục tiêu Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và không ai có thể bị bỏ lại phía sau.
Trẻ em gái ở các huyện vùng cao được đến trường học. |
BĐG là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam mà của các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Trong nhiều năm nay, công tác BĐG luôn được tỉnh ta quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG và được triển khai ở các cấp, ngành với nhiều hình thức, nội dung đa dạng. Nhờ đó, các mục tiêu chiến lược Quốc gia về BĐG đạt một số kết quả nhất định, công tác quy hoạch cán bộ nữ được tỉnh quan tâm, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011- 2016 đạt trên 30%; tỷ lệ nữ đảm đương những vị trí lãnh đạo, quản lý ở các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tăng lên; hiện có 62,26% sở, ngành có cán bộ lãnh đạo là nữ; việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, văn hóa thông tin, trong tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm.
Tỉnh đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ. Qua đó, góp phần làm giảm sự bất bình đẳng giới trong gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) trong lĩnh vực gia đình. Đến nay, có 210 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 39 CLB “Trách nhiệm và chia sẻ”, 247 CLB “Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, 114 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3” và 1.052 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, kịp thời giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình, bị mua bán trở về. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BĐG, đến nay, đã tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới cho gần 1.850 lượt cán bộ phụ trách công tác BĐG và thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.
Tuy nhiên, là tỉnh miền núi khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức vấn đề BĐG còn hạn chế; định kiến giới, tư tưởng trọng nam giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Để thực hiện tốt các mục tiêu BĐG, rất cần sự huy động mọi nguồn lực cho công tác BĐG nhằm triển khai sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của xã hội. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở những vùng, địa phương, lĩnh vực có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới; hoặc ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều tập tục lạc hậu.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc