Hiệu quả của các Trung tâm học tập cộng đồng tại Bắc Mê
BHG - Với vai trò tạo cơ hội học tập cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội, những năm qua, các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại các xã, thị trấn của huyện Bắc Mê thực sự đã trở thành nơi giao lưu học hỏi, giúp người dân tiếp cận với những tri thức mới và áp dụng vào thực tiễn.
Thực hiện chủ trương “Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi công dân được học tập suốt đời”, những năm qua, TTHTCĐ tại Bắc Mê đã không ngừng lớn mạnh và được thành lập tại 13/13 xã, thị trấn của huyện. Năm học 2016 – 2017, các TTHTCĐ đã phối hợp với các ban, ngành liên tục mở các lớp đào tạo với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chuyên đề chuyển giao khoa học kĩ thuật (chăn nuôi trâu, bò, trồng nhân giống nấm, lớp tin học văn phòng, lớp đào tạo lái xe ô tô...) mở 108 lớp cho 4.484 người; các lớp tuyên truyền, phổ biến các hoạt động về văn hóa – xã hội, chính sách, pháp luật mở 282 lớp với 17.319 lượt người tham gia; lớp xóa mù chữ mở 5 lớp với 96 học viên.
Một lớp học xóa mù chữ tại thôn Khum, xã Yên Phong, Bắc Mê. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện, cho biết: “Nhằm thực hiện đề án “Đổi mới hoạt động TTHTCĐ trên địa bàn các huyện, thành phố” của UBND tỉnh, các TTHTCĐ tại Bắc Mê đã dần kiện toàn bộ máy với việc bổ nhiệm chức danh và xây dựng trụ sở làm việc tại các xã. Việc hình thành các TTHTCĐ không chỉ tạo nên phong trào học tập cho người dân, mà những kiến thức của các khóa học đã trở thành “chìa khóa” giúp nhiều gia đình thoát nghèo và tìm hướng đi trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, việc bám sát thực tế trong khảo sát nhu cầu học tập của người dân đã giúp đáp ứng và tạo nên sự phấn khởi, ham học của các học viên...”.
“Tuy cơ sở vật chất và các điều kiện của TTHTCĐ của xã còn nhiều khó khăn, nhưng với sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, các lớp học nghề đã đáp ứng và thu hút được đông đảo bà con tham gia. Các lớp về kĩ thuật tiêm phòng, cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm được người dân đăng kí rất đông và sau mỗi khóa học các hộ dân đều nắm và áp dụng được vào thực tiễn và đã có nhiều mô hình mới được ra đời như: Trồng nấm, trồng rau hàng hóa... Bên cạnh đó, các lớp xóa mù chữ đã giúp tăng tỉ lệ biết đọc, biết viết của người dân, khiến cho công tác tuyên truyền, vận động bà con trở nên dễ dàng hơn”, đồng chí Đào Đình Toàn, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Yên Phong cho biết .
Đến thăm lớp học xóa mù chữ, tại thôn Khum, xã Yên Phong, những bài học vỡ lòng, cùng những phép tính cộng trừ đơn giản được các chị em phụ nữ chăm chú lắng nghe và đặt phép tính trên giấy. Tại lớp học, có những học viên đã ngoài 60 tuổi vẫn chăm chỉ ngày ngày đi học. Cô Bồn Thị Thảy tâm sự: “Ngày xưa, lúc nhỏ thì theo mẹ lên nương, lớn hơn thì đã trở thành mẹ nên nói đến đi học, nói đến cái chữ là chưa bao giờ nghĩ đến. Khi được cán bộ xã xuống vận động đi học, ban đầu thấy ngại, bởi nghĩ giờ đã già học cái chữ cũng không làm gì, nhưng thấy các chị em trong xóm ai cũng cầm sách, bút đi học nên cũng tham gia. Giờ đây cái chữ và những phép toán đã trở nên hấp dẫn bởi có thể vận dụng những bài học vào thực tế trong việc hoạch toán chi tiêu của gia đình, hay khi rảnh có thể đọc báo, tin nhắn trên điện thoại...”.
Hiệu quả của các TTHTCĐ đã được thể hiện rõ sau các khóa học đó là việc có nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành, mặt bằng chung về kinh tế và nhận thức của người dân được nâng lên. Tiếp tục cho năm học mới 2017 – 2018 với việc đẩy mạnh phong trào “Học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập” hứa hẹn sẽ có thêm nhiều lớp học nghề và thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc