Các Phó Thủ tướng viếng cụ Hoàng Thị Minh Hồ
Tổ chức lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ theo nghi thức Lễ tang cao cấp. Ảnh: VGP/Minh Anh |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gửi vòng hoa viếng cụ Hoàng Thị Minh Hồ.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo người dân đã đến viếng và tiễn đưa cụ Hoàng Thị Minh Hồ về cõi vĩnh hằng.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ (sinh năm 1914, tại Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, thường trú tại 24 Nguyễn Gia Thiều, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) từ trần ngày 5/11, hưởng thọ 104 tuổi.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ là phu nhân cụ Trịnh Văn Bô (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội), gia đình có công với dân tộc và cách mạng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chia buồn với gia đình cụ. Ảnh: VGP/Minh Anh |
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước thuộc dòng họ khá nổi tiếng tại Hà Nội vào đầu thế kỷ XX, ngay từ nhỏ, cụ Hoàng Thị Minh Hồ được người cha là cụ Hoàng Đạo Phương vun đắp tinh thần yêu nước, yêu cách mạng. Cha cụ và thân sinh nhà tư sản Trịnh Văn Bô là cụ Trịnh Văn Đường đều là những người có chung lý tưởng yêu nước, trọng nghĩa khí và cùng tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục do các chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can... khởi xướng đầu thế kỷ XX.
Trong quá trình gây dựng sự nghiệp kinh doanh, cụ Hoàng Thị Minh Hồ cùng chồng là Trịnh Văn Bô luôn chia sẻ với người nghèo và người kém may mắn. Triết lý kinh doanh của hai cụ là: “Buôn bán được 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả!".
Gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ cho cách mạng tổng cộng lên tới 5.147 lạng vàng.
Không chỉ đóng góp lớn lao cho cách mạng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ và gia đình còn vinh dự chăm sóc, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đến ở và làm việc tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình, khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và chuẩn bị cho lễ ra mắt Chính phủ lâm thời.
Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ hiến cho Nhà nước làm di tích lịch sử quốc gia, trưng bày lưu niệm những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây.
Cả vợ chồng cụ Hoàng Thị Minh Hồ đều là trường hợp hiếm có được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng viết trong sổ tang. Ảnh: VGP/Minh Anh |
Đến viếng và chia buồn với gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Trong sổ tang, Phó Thủ tướng viết: "Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt cụ Hoàng Thị Minh Hồ, người phụ nữ Việt Nam với tấm lòng nhân hậu, cao thượng, tài giỏi, đảm đang, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước. Trong lúc chính quyền cách mạng gặp nhiều khó khăn, cụ cùng với chồng là cụ Trịnh Văn Bô và gia đình đã hiến tặng 5.147 lượng vàng và nhiều tài sản cho cách mạng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn những cống hiến vô cùng quý báu đó của Cụ và gia đình”.
Cùng đến viếng cụ Hoàng Thị Minh Hồ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi vào sổ tang bày tỏ: "Vô cùng thương tiếc cụ Hoàng Thị Minh Hồ, người đã có đóng góp to lớn cho nền tài chính cách mạng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của đất nước".
Đọc Điếu văn truy điệu cụ Hoàng Thị Minh Hồ, Trưởng ban lễ tang, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh những đóng góp lớn lao của gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã được lưu vào sử sách đất nước.
Lãnh đạo TP. Hà Nội chia buồn cùng gia đình cụ. Ảnh: VGP/Minh Anh |
Tại Lễ truy điệu và đưa tang, con trai cả cụ Hoàng Thị Minh Hồ là ông Trịnh Lương đã thay mặt 5 thế hệ gia đình họ Trịnh và họ Hồ bày tỏ lòng cảm kích và biết ơn tới Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Tang lễ, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, đại biểu các ban ngành Trung ương và Hà Nội, đồng bào, cô bác, bạn bè gần xa và bà con khối phố đã đến chia buồn với gia đình.
Ông Trịnh Lương cho biết, thực hiện ý nguyện của Cụ Hoàng Thị Minh Hồ trước khi ra đi, gia đình sẽ chuyển toàn bộ số tiền phúng viếng đến MTTQ Việt Nam để ủng hộ đồng bào khó khăn lũ lụt, thiên tai và giúp các cháu học sinh nghèo.
Theo Báo điện tử Chính phủ
Ý kiến bạn đọc