Bảo tồn và phát triển lan rừng
BHG - Đã từ lâu, ở nhiều nơi, trong đó có thành phố Hà Giang, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân hàng ngày đưa lan từ rừng về phố. Trước nhu cầu của người chơi phong lan, nhiều người dân ở các địa phương quanh khu vực thành phố Hà Giang đã khai thác, tận thu phong lan từ trên các cánh rừng tự nhiên đem ra thành phố bán. Hoạt động trên diễn ra trong nhiều năm khiến cho số lượng, chủng loại lan tại các cánh rừng có nguy cơ cạn kiệt.
Có thể nói, hoa lan với rất nhiều loài có trong tự nhiên hoặc được con người sử dụng khoa học, công nghệ để phát triển hiện đang trở thành loài hoa có giá trị kinh tế cực cao. Rất nhiều người có thú chơi hoa lan, dành thời gian, công sức tìm kiếm những nhánh lan rừng. Từ đó dẫn đến việc người ta săn lùng lan trong các cánh rừng hoặc đầu tư cho khoa học trồng, chăm sóc các loại lan quý để đưa ra thị trường. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số quốc gia gần chúng ta đã phát triển lĩnh vực trồng lan kinh tế rất hiệu quả như: Thái Lan, Sing – ga – po, Trung Quốc…
Phong lan rừng đang được khai thác tràn lan, bán ra thị trường thành phố Hà Giang. |
Với Việt Nam ta nói chung và tại Hà Giang nói riêng, việc thuần lan rừng và phát triển lan rừng thương mại đã được triển khai. Từ đó, xuất hiện không ít cơ sở trồng, chăm sóc lan để bán ra thị trường, cho giá trị kinh tế ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Hoàng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới của tỉnh, cho biết: Trước thực trạng phong lan rừng bị khai thác và có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh T.Ư phối hợp với Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới của tỉnh xây dựng Đề tài Khoa học về “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số loài lan rừng thu thập tại tỉnh Hà Giang”. Đề tài bắt đầu triển khai từ tháng 8.2017 với mục tiêu nghiên cứu, thu thập, bảo tồn một số loài lan tại Hà Giang nhằm lưu giữ nguồn nguyên liệu gốc để nhân giống và phát triển các loài lan quý, hiếm, có giá trị kinh tế. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.
Qua khảo sát có thể thấy, tỉnh ta với điều kiện khí hậu rất đặc thù, là nơi khởi nguồn của nhiều chủng loại hoa lan quý, như: Lan hài, hạc vỹ, trầm tím, Thanh ngọc, Quế lan hương, Hoàng lạp, Mạc biên, Bạch lan… Mặc dù hiện nay đã có một số nhà vườn thu thập, phát triển một số loài lan để bán. Song, việc thu thập, trồng vẫn còn trong điều kiện hết sức đơn giản, chưa có tác động khoa học kỹ thuật, vì thế sản phẩm hoa chất lượng thấp, giá trị kinh tế không cao. Việc làm này không những không bảo tồn được nguồn gen mà còn có nguy cơ mất dần nguồn gen bản địa quý của Hà Giang. Từ đó, rất cần nghiên cứu quy trình trồng khoa học nhằm thay đổi cách trồng cũ để đem lại chất lượng giống cây, giá trị kinh tế cho người trồng.
Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số loài lan rừng thu thập tại tỉnh Hà Giang” triển khai sẽ điều tra, thu thập nguồn vật liệu hoa lan tại 5 địa phương gồm: Thành phố Hà Giang, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần và huyện Đồng Văn. Trên cơ sở đó, đề tài nghiên cứu sẽ triển khai điều tra, thu thập được nguồn gen hoa lan tại Hà Giang với số lượng khoảng 20 loài; đánh giá sinh trưởng, phát triển và mô tả đặc điểm nông sinh học của các loài lan thu thập được, tuyển chọn được từ 1 – 2 giống có triển vọng. Đề tài nghiên cứu sẽ hoàn thiện được quy trình trồng, chăm sóc cho 1 giống hoa lan có giá trị kinh tế cao; xây dựng vườn lưu giữ mẫu giống hoa lan thu thập được tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ) với diện tích 500m2.
Có thể khẳng định, phong lan với nhiều chủng loại hoa là một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng đang có nguy cơ mất dần trong tự nhiên và suy thoái nguồn gen. Trên cơ sở đó, nếu chúng ta nghiên cứu thành công và phổ biến, chuyển giao việc áp dụng quy trình chăm sóc lan quý cho người dân sẽ là một việc làm hết sức cần thiết, tạo thêm sinh kế cho người dân, đặc biệt người dân sống gần các khu vực đặc dụng, nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh. Đây đồng thời là một cách làm hay phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của một địa phương có ngành du lịch đang phát triển mạnh như Hà Giang.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc